Từ chuyện Hà Nội kiến nghị không ăn thịt chó: Cần thay đổi thói quen trong ẩm thực Việt

Thịt chó, tiết canh vốn được cho là một trong những nét đặc trưng truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại và nguy cơ, tác hại mắc những bệnh truyền nhiễm và góp phần cải thiện hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách, rất nhiều chuyên gia có ý kiến cho rằng cần phải thay đổi những thói quen ẩm thực cho phù hợp. Trong đó việc UBND TP.Hà Nội tuyên truyền từ bỏ thói quen ăn thịt chó nhận được nhiều sự đồng tình.

UBND TP.Hà Nội tuyên truyền từ bỏ thói quen ăn thịt chó để góp phần cải thiện hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách.

Từ bỏ thịt chó - rất khó nhưng cần

Lý do UBND TP. Hà Nội đưa ra trong văn bản 4170 là để phòng, chống bệnh dại; nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả... khi sử dụng thịt chó, mèo để một bộ phận người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.

Động thái tiếp theo là Cục Thú y Hà Nội đã tiến hành có những yêu cầu quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đến năm 2021, các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.

Anh Nguyễn Văn Hoàn (27 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra đồng tình tuyên truyền của Hà Nội, thậm chí theo anh Hoàn cả nước nên làm như vậy, ngoài ngăn ngừa được chuyện mất vệ sinh, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ chó, mèo, nạn cẩu tặc sẽ không còn hoành hành.

Chia sẻ với Lao Động về khuyến nghị của TP. Hà Nội, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng, rất ủng hộ việc Hà Nội khuyến khích người dân hạn chế ăn thịt chó. Thậm chí, theo Giáo sư Chương thì không những hạn chế mà nên bỏ hoặc cấm.

Giáo sư Hoàng Chương lấy ví dụ, cách đây 18 năm, khi đến Hàn Quốc họ đã chiêu đãi khách bằng món thịt chó. Đây là món ăn sang, quý ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, cách đây mấy hôm khi trở lại Hàn Quốc thì việc này không còn nữa. Cũng theo Giáo sư Chương, con chó, con mèo là loài vật gần gũi, thân thiết và rất trung thành với con người. Với nhiều gia đình, chó, mèo không chỉ là con thú cưng mà còn là thành viên thân thiết trong gia đình. Bảo vệ, giữ nhà giữ của, chống trộm cắp cho gia đình đó. Chính vì thế, ở Việt Nam còn có tục thờ chó đá.

Giáo sư Chương cho rằng, tục ăn thịt chó là từ xa xưa. Nếu là tục lệ thì có những cái có thể bỏ đi, có những cái có thể phát huy. “Ở thời đại này có nhiều nguồn thực phẩm để ăn, chứ không phải như ngày xưa thiếu đói. Trong việc này, cá nhân tôi ủng hộ việc cấm ăn thịt chó” - Giáo sư Chương nói thêm.

Ở một góc độ khác, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết, nếu con chó bị bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dại khi làm thịt ra mà nấu chín thì không có nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, việc lây nhiễm có nguy cơ trong trường hợp người giết mổ, làm thịt con chó đó mà bị xước chân, xước tay rồi dính nước bọt của con chó đó thì chắc chắn sẽ bị lây nhiễm. Hoặc, khi xước chân, tay mà tiếp xúc với não, dầu thần kinh của con chó bị dại đó thì cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Trên thực tế việc lây nhiễm này rất thấp nhưng vẫn xảy ra, bác sĩ Cấp nói.

Trên thực tế ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng có thói quen giết mổ thịt chó làm thực phẩm cũng đã có những giải pháp hạn chế hoặc cấm ăn thịt chó trước sức ép từ quốc tế.

Cuối năm 2017, chủ nhà Hàn Quốc cho biết, đang trong tiến trình đóng cửa các chợ bán thịt chó trước thềm Olympic và Paralympic mùa đông 2018 do phải hứng chịu chỉ trích kịch liệt đòi tẩy chay sự kiện từ dư luận quốc tế. Trước hành động của Hàn Quốc, các thương lái thịt chó nhất trí đóng cửa thị trường trong tháng 12 (năm 2017) để được hỗ trợ tài chính chuyển sang kinh doanh ngành khác.

Đầu năm 2017, theo tờ Guardian (Anh) thì Đài Loan (Trung Quốc) cũng ban hành một đạo luật mà theo đó sẽ phạt 250.000 đôla Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) với mỗi hành động ăn thịt chó hoặc mèo. Ngoài ra, các hình phạt đối với hành động tàn nhẫn hoặc giết mổ động vật được nâng lên đến hai năm tù và phạt tiền lên đến 2 triệu đôla Đài Loan (gần 1,5 tỉ đồng). Thịt chó từng được tiêu thụ nhiều ở Đài Loan, nhưng hiện nay, hầu hết chó được đối xử như vật nuôi nhiều hơn là thức ăn. Cũng theo tờ này, Đài Loan đã cấm bán thịt chó, mèo vào năm 2001, và một số chính quyền địa phương cấm thiêu thụ.

Cần tuyên truyền để người dân nhận thức về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả... khi ăn thịt chó, mèo.

Tiết canh - cần phải cấm

Cùng với thịt chó, tiết canh là món ẩm thực từng được ưa thích. Tiết canh lợn, tiết canh vịt, tiết canh dê, thậm chí có nơi còn ăn tiết canh… chó.

Đối với du khách nước ngoài, đây là món ăn gây kinh hãi. Sau khi đến Việt Nam và biết được món ăn đáng sợ này, du khách người Nhật có tên Juji đã bày tỏ rằng: “Chính phủ Việt Nam cần có một quy định về việc cấm ăn tiết canh. Nó là món ăn quá nguy hiểm tới sức khỏe con người”.

Điều đáng nói, từ tháng 11.2005, Hà Nội đã có quy định cấm buôn bán tiết canh sống để phòng, chống dịch bệnh. Nhưng trên thực tế, việc sử dụng, bán tiết canh vẫn diễn ra bình thường từ đó đến nay.

Một báo cáo khoa học cho hay: Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn. Những thức ăn như, lòng, dồi, tiết canh… luôn luôn có vi trùng liên cầu khuẩn lợn. Trong khi đó nhiều khi thức ăn này không được nấu chín, nên dễ dẫn đến việc lây bệnh các món ăn như tiết canh, huyết xào, dồi trường luộc chưa kỹ, lòng lợn...

Qua điều tra dịch tễ 100 trường hợp nhiễm bệnh liên cầu lợn ở phía nam Việt Nam đã xác định 70% có liên quan tiếp xúc trực tiếp với lợn, do ăn lòng lợn, tiết canh. Lưu ý là đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Bệnh có khả năng gây tử vong cho 7% số người nhiễm.

Hiện tại, vẫn có những ca tử vong do nhiễm cầu lợn từ món tiết canh. Thế nhưng một số suy luận lạc hậu (uống rượu vào thì diệt vi trùng, ăn tiết canh đầu tháng thì gặp may mắn) nên món ăn này vẫn len lỏi tại những quán ăn kém vệ sinh và tiềm tàng nguy cơ gây bệnh.

Nguyên Trần - Linh Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tu-chuyen-ha-noi-kien-nghi-khong-an-thit-cho-can-thay-doi-thoi-quen-trong-am-thuc-viet-630945.ldo