Từ chuyện công nghệ giáo dục: Hiểu thế nào về việc can thiệp vào việc học của con?

Chuyên gia cho rằng bố mẹ muốn giúp đỡ, muốn học cùng con thì trước hết phải chấp nhận con, tin vào những bằng chứng tốt cho con mà khoa học đã chứng minh.

Cha đẻ của công nghệ giáo dục cho rằng người lớn không nên áp đặt lên trẻ con.

Liên quan đến cuốn sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục, nhiều phụ huynh cho rằng với phương pháp này, họ không biết phải dạy con như thế nào khi về nhà. Về vấn đề này, GS Hồ Ngọc Đại – “Cha đẻ” của công nghệ giáo dục cho rằng cha mẹ không nên can thiệp vào việc học của con, không nên theo cách của mình, trình độ của mình mà áp đặt lên trẻ con.

Phụ huynh nói gì?

Chị Trần Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ không muốn cải cách khác người. “Cứ phức tạp hóa lên khiến cha mẹ không biết thế nào mà theo. Khi con còn nhỏ thì cha mẹ phải học theo, nếu cách học thay đổi cha mẹ không kịp thích nghi thì dạy con thế nào. Các bé cấp 1 mà thả nổi tự học liệu có an tâm?” – chị Hà nói.

Bộ sách Công nghệ giáo dục đang vấp phải nhiều tranh cãi. Ảnh: Nguyễn Hà

Ở một mức độ nào đó, những kiến thức mà bố mẹ được học ngày xưa vẫn phù hợp để dạy con vì đó là trí tuệ chung của nhân loại. Cái khác biệt ở đây chính là phương pháp giảng dạy – đó là quan điểm của chị Thu Hoài (Triều Khúc, Hà Nội).

Chị Hoài chia sẻ khi con đi học về chị sẽ ngồi học cùng để con ghi nhớ hơn những gì được cô giáo dạy trên lớp chứ không phải dùng phương pháp khác để dạy con. “Cha mẹ không thể thay được thầy cô ở trường vì bây giờ đã cải tiến hơn rất nhiều, thiên về vừa dạy kiến thức vừa dạy kĩ năng, do đó bố mẹ không thể thay thế vai trò của giáo viên mà chỉ làm bạn với con mình, tìm hiểu xem ở lớp các con học như thế nào để phù hợp với con”.

Hiểu như thế nào về việc can thiệp việc học của con?

Nói về điều này, PGS. TS Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng thời đại thay đổi, nội dung giáo dục, phương pháp thay đổi thì bố mẹ cũng cần cập nhật để đồng hành với con.

Bố mẹ không được giáo dục theo kiểu áp đặt trẻ em để giúp các em phát triển cá tính và nhân cách độc đáo của mình. Như việc bố mẹ áp đặt những cái mình biết, mình tin là đúng để dạy con bằng roi vọt đến giờ cũng rất khó chấp nhận để thay đổi.

TS Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam.

Nhưng càng ngày, môi trường xã hội thay đổi, chúng ta phải thấy được sự cần thiết của thức kỉ luật tích cực, của việc giáo dục con cái dựa trên khuyến khích hành vi tốt. Thay vì giáo dục dựa trên nỗi sợ hay xấu hổ, cách bền vững nhất để giảm hành vi xấu là khen thưởng, chú ý vào các hành vi tốt của con.

Theo TS Thành Nam, nói bố mẹ không can thiệp vào việc học của con không có nghĩa là mặc kệ con mà phải hiểu rằng có những đứa trẻ học theo cách thức này sẽ vào đầu hơn, nhưng nhiều bố mẹ lại luôn muốn rằng con mình phải học theo cách thức mà bố mẹ ngày xưa học “như vậy tương lai chỉ phấn đấu bằng lịch sử” – ông Nam khẳng định.

Bố mẹ muốn giúp đỡ con, muốn học cùng con thì trước hết phải chấp nhận con, thứ hai phải tin vào những bằng chứng tốt cho con mình mà khoa học đã chứng minh, thứ ba cần phải học kĩ năng làm cha mẹ thông thái, muốn dạy con phải học theo cách của con còn nếu không thì đừng can thiệp.

Ts Thành Nam cho rằng bố mẹ muốn giúp đỡ con, muốn học cùng con thì trước hết phải chấp nhận con. Ảnh: Nguyễn Hà

Nếu hành xử theo ý người lớn thì chúng ta đã góp phần triệt tiêu sự sáng tạo trong trẻ cũng như hủy hoại lòng tự trọng, hình ảnh cái tôi bản thân trẻ

“Và tất nhiên tôi cũng không đồng ý rằng bố mẹ mặc kệ cho nhà trường trong giáo dục con, câu này mà chúng ta hiểu theo cách này cũng không đúng và cũng không ai thừa nhận. Quan trọng là chúng ta phải ứng xử theo phương pháp khoa học, dựa trên các bằng chứng khoa học” – ông Nam khẳng định.

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/tu-chuyen-cong-nghe-giao-duc-hieu-the-nao-ve-viec-can-thiep-vao-viec-hoc-cua-con-630258.ldo