Từ chuyện con robot của Cty CP Quốc tế Phong Phú

Cty CP Quốc tế Phong Phú ứng dụng công nghệ lazer, robot vào quy trình sản xuất, và như lời bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng giám đốc Cty: 'Cuộc cách mạng 4.0 có những tác động lên ngành may, chi phí tăng, giá gia công đứng hoặc giảm để cạnh tranh, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để cạnh tranh tồn tại'.

Cuộc cách mạng 4.0 có những tác động lên ngành may, chi phí tăng, giá gia công đứng hoặc giảm để cạnh tranh, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để cạnh tranh tồn tại.

Rõ ràng phải thay đổi mới tồn tại, ngành may mặc được cảnh báo là ngành thâm dụng lao động, và máy móc công nghệ mới sẽ thay thế cho sức người. Nhưng người lao động của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là đủ khả năng để làm việc trong dây chuyền công nghệ hiện đại, mà còn có thể làm ra các dây chuyền đó. Tại Cty CP Quốc tế Phong Phú, có nhóm kỹ sư nghiên cứu làm một robot phục vụ sản xuất và kết quả rất khả quan. Nếu thành công, chi phí chỉ bằng một nửa nhập từ nước ngoài.

Không chỉ nhóm kỹ sư của Cty CP Quốc tế Phong phú, hiện nay, có nhiều kỹ sư trẻ, có khả năng sáng chế, nhưng không đủ điều kiện tài chính để nghiên cứu, tạo ra các sẩn phẩm công nghệ mới. Để khai thác nguồn tài nguyên này, cần phải có đầu tư, hỗ trợ. Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất: "Đối với lao động trẻ có trình độ, muốn dấn thân vào những ngành nghề mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tuy nhiên họ còn nhiều rủi ro. Rất cần thiết có một quỹ hỗ trợ đội ngũ này, để khuyến khích nhóm lao động này làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm công nghệ để không đi mua từ nước ngoài với chi phí rất cao".

Dây chuyền công nghệ hiện đại phải ra đời, hoặc nhập khẩu, hoặc do kỹ sư trong nước sáng chế, và sẽ tác động trực tiếp đến người lao động. Một con robot thay thế cả chục công nhân, vậy thì người lao động bị dôi dư sẽ đi về đâu? Đây là thách thức với tổ chức công đoàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động như thế nào đây trước xu hướng tất yếu của ứng dụng công nghệ thay cho những dây chuyền lạc hậu, năng suất thấp.

Tổ chức công đoàn đã có Quỹ học bổng Công đoàn, hỗ trợ tài chính để người lao động học tập, nâng cao trình độ. Công nhân của thời đại công nghệ không phải làm việc bằng cơ bắp, mà điều khiển những con robot, không học thì không thể tham gia vào các dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhưng bên cạnh tổ chức công đoàn, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc đào tạo công nhân kỹ thuật, đặc biệt là hỗ trợ cho kỹ sư sáng chế, phát minh.

Nhập khẩu con robot thì quá dễ, nhưng làm ra con robot mới là thử thách của người lao động Việt Nam.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tu-chuyen-con-robot-cua-cty-cp-quoc-te-phong-phu-625977.ldo