Từ chuyện cô gái mại dâm đứng cúi mặt

Mua bán dâm là bất hợp pháp, tuy nhiên Luật Hình sự không hề xác định 'Tội phạm' với cả người bán lẫn người mua dâm. Và họ được pháp luật bảo vệ về danh dự và nhân phẩm; không bị bạo lực, truy bức hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác.

Công an bêu tên người vi phạm giữa phố. Ảnh cắt từ clip

Năm 2012, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được đưa ra thảo luận nghị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khi ấy cho rằng: Việc áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không phù hợp, vì dẫn đến tình trạng người bán dâm mặc dù không có bệnh nhưng vẫn bị buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh, là không đúng bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý.

Năm ấy, Luật được thông qua với một tinh thần cực kỳ tiến bộ: Chẳng những bỏ hẳn biện pháp “đưa vào cơ sở chữa bệnh” đối với người bán dâm mà ngay cả các biện pháp “Giáo dục tại xã, phường...” cũng không phải là bắt buộc; trong khi đó, việc xử phạt người mua bán dâm, luật cũng không quy định phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nói tiến bộ, bởi từ việc bị đối xử hà khắc, bị bêu tên, bị chữa bệnh (dù có bệnh hay không), các cô gái bán dâm được nhìn nhận nhân đạo hơn - như những nạn nhân của thực trạng xã hội - mà việc bêu tên tuổi, hình ảnh hay cách ly để “chữa bệnh” thật ra là nghiêm khắc đến hà khắc, chẳng những không cần thiết, vô tác dụng mà còn không đảm bảo quyền con người của họ.

Tháng 7 năm ấy, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại. Có lẽ đã đến lúc, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp, hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhìn nhận Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề này.

Tháng 6 năm nay, 3 công an viên ở Phú Quốc đã bị xử lý kỷ luật sau khi clip “bêu tên” người mua, bán dâm giữa đường gây bão dư luận.

Như vậy là cả ở giác độ pháp luật cũng như việc xử lý thực tiễn đều cho thấy người mua, bán dâm được bảo hộ danh dự, nhân phẩm, quyền nhân thân ngay cả khi họ có vi phạm hành chính. Bởi việc bêu tên, buộc người bán dâm phải “chường mặt" ra chốn công cộng hay mạng xã hội phải nói là làm nhục chứ không phải là giáo dục. Bởi chẳng có thứ giáo dục nào lại dựa trên nỗi hổ thẹn, nhục nhã của người khác. Chẳng có thứ giáo dục nào có cơ sở là sự chà đạp lên danh dự nhân phẩm của một con người.

Những cô gái bị buộc “không mảnh vải che thân”, những cô gái cúi mặt giữa phố phường. Đó chắc chắn không phải là giáo dục, không phải là tinh thần pháp luật.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tu-chuyen-co-gai-mai-dam-dung-cui-mat-641313.ldo