Từ chuyện 'cán nát mẹt hàng' nghĩ về... đô thị thông minh

Để xây dựng đô thị văn minh, tiến tới đô thị thông minh, trước mắt phải làm được điều bình thường nhất là giải quyết vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép.

Xin được bắt đầu bài viết bằng câu chuyện người phụ nữ điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda Lead cán nát mẹt hoa quả của một cô bán hàng rong vào dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua.

Lúc ấy là 7h sáng, một phụ nữ phi xe máy lên vỉa hè, cán nát mẹt hoa quả của một người phụ nữ bán hàng rong trên đường Nguyễn Đổng Chi, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hình ảnh người phụ nữ chèn lên mẹt hoa quả của người bán hàng rong (hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội).

Hình ảnh người phụ nữ chèn lên mẹt hoa quả của người bán hàng rong (hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội).

Theo người chứng kiến sự việc kể lại: “Đang đợi xe để về quê thì nghe tiếng ‘xoẹp xoẹp’ kèm theo tiếng kêu của bác bán hoa quả ‘ối giời ơi, cháu ơi’. Cán nát nia hoa quả của người ta xong còn di di lại rồi mới cán qua tiếp xong chửi bác ‘ngày nào cũng ngồi đây’.

Đúng bác này ngồi bán ở đây là không hợp lý nhưng không hề gây vướng nhiều đến chỗ để xe của nhà này. Lúc bà đấy phi xe vào còn lao thẳng cái bánh xe trước chạm người bác bán hoa quả cơ.

Bác đấy chỉ biết đứng dậy bảo ‘cho bác xin, cháu ơi’, ‘thôi’, xong bê nia hoa quả đi chỗ khác. Cái nia của người ta chỉ có vài quả táo ta, mấy quả bưởi rám, người ta cố bán nốt, không cho ngồi thì nhắc người ta đứng ra. Bác này bằng tuổi cha tuổi mẹ mà cô này cư xử thế, ai lại làm thế bao giờ”.

Hình ảnh và câu chuyện được một người đứng chờ xe buýt gần đó ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội, gây xôn xao, bất bình trong dư luận.

Có ý kiến cho rằng người đi xe máy trong ảnh là chủ shop quần áo nơi người phụ nữ ngồi bán hoa quả, ngồi chắn hết chỗ bán hàng của người ta nên người ta mới làm vậy cho "chừa".

Có ý kiến cho rằng cách hành xử của người đi xe máy, với hành vi bị đánh giá là "quá hỗn láo và thiếu tình người".

Cũng có ý kiến cho rằng, người phụ nữ ngồi bán hoa quả tại vị trí đó là không đúng, gây cản trở lối lên xuống của hàng của người đi xe máy; trong khi chị này đang mang thai, đi lại khó khăn nên có thể vì cực chẳng đã mới phải làm như vậy.

Tất cả những ý kiến đó có một phần đúng - sai, nhưng tất cả mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".

Nếu phân tích cụ thể từng trường hợp thì sẽ thấy người phụ nữ bán hoa quả cũng sai, mà người phụ nữ đi xe máy chèn lên mẹt hoa quả của người bán hàng rong cũng không đúng.

Bởi vỉa hè không phải là chỗ để người phụ nữ bán rong bán hoa quả, cũng không phải là nơi "độc chiếm" của chủ shop quần áo mà họ có thể "tỏ thái độ" bằng cách "phá hoại tài sản" của người bán hàng rong nhằm "dằn mặt" đuổi bà đi chỗ khác.

Hàng quán lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Ảnh Quốc Tuấn.

Vậy vỉa hè là của ai, chúng ta đã và đang quản lý vỉa hè như thế nào?

Ai cũng biết vỉa hè đường phố là do nhà nước đầu tư, dành cho người đi bộ để đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời làm cho bộ mặt phố phường thêm phần đẹp đẽ, khang trang, thể hiện nét văn minh đô thị.

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã nghiêm cấm các hành vi lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

Thế nhưng hãy nhìn vào thực tế để thấy, khắp các tỉnh thành tại Việt Nam, không một nơi nào vỉa hè đường phố không bị lấn chiếm trái phép. Nhiều công trình phúc lợi phục vụ người dân, cộng đồng đã trở thành nơi để phục vụ cho lợi ích riêng của các chủ hàng, chủ quán, người bán rong...

Họ mặc nhiên lấn chiếm để bày bán các mặt hàng hoặc làm nơi để xe cho khách. Tại nhiều tuyến phố, vỉa hè dành cho người đi bộ đã từ lâu không còn là của người đi bộ, do vậy người đi bộ chỉ biết đi xuống lòng đường, rất dễ bị tai nạn giao thông.

Câu chuyện lấn chiến vỉa hè đã diễn ra từ rất lâu, nhưng có lẽ nó chỉ được nói đến nhiều nhất đó là vào thời điểm đầu năm 2017, khi ông Đoàn Ngọc Hải, lúc đó còn là Phó Chủ tịch Quận 1, TP HCM trực tiếp xuống đường chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trả lại lối đi cho người đi bộ.

"Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ" do ông Đoàn Ngọc Hải thực hiện khi đó đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của dư luận. Ngay sau đó, không chỉ các quận trên địa bàn TP HCM ra quân xử lý, mà tại nhiều tỉnh thành cũng đã có sự quan tâm, nhắc nhở, xử lý.

Trong khi đó lòng đường bị trưng dụng làm chỗ đỗ xe trái phép. Ảnh: Quốc Tuấn.

Mặc dù cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường từ tháng 1 đến tháng 10/2017 do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu phù hợp với Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Lòng đường, vỉa hè thì không bất kỳ người dân, tổ chức nào được sử dụng cho mục đích riêng của mình trừ khi có quyết định, văn bản của UBND cấp tỉnh. Việc sử dung theo quyết định đó cũng không được gây cản trở giao thông, tạo ra cản trở cho quá trình sinh sống của người dân gần đó.

Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì mức xử phạt từ 100 - 40 triệu đồng. Quy trình xử phạt thông qua 4 bước: Tiến hành lập biên bản ghi nhận sự việc; điều tra xem xét việc vi phạm đó như thế nào để lập biên bản vi phạm hành chính; người dân đóng tiền xử phạt; người dân phải tháo dỡ công trình vi phạm luật giao thông đường bộ cũng như nghị định 46. Nếu không tự tháo dỡ những lan can, công trình phụ xây dựng lấn chiếm, kiên cố trên vỉa hè thì tiến hành cưỡng chế.

Quá trình làm việc của ông Hải hoàn toàn thông qua 4 bước trên chứ không phải cấp tập. Nếu đối chiếu quy định pháp luật thì việc làm của ông Hải không vi phạm. Nhưng vì sao ông Hải lại thất bại?

Ông Đoàn Ngọc Hải thất bại trong "chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ"

Đã có khá nhiều ý kiến lý giải nguyên nhân, nhưng tựu chung lại ông Hải thất bại là do thua lợi ích nhóm.

Bởi dù vỉa hè, lề đường là tài nguyên quốc gia, tài sản công, nhưng không gian công cộng ấy sinh ra nguồn lợi béo bở “hàng nghìn tỉ đồng”, chui vào túi những nhóm người. Dó đó, tự bản thân cái vỉa hè nó tạo nên sức mạnh và những mối quan hệ ngầm bền chặt. Và, người tử tế chống lại nó sẽ dễ bị cô lập, cô đơn.

Nói cách khác, vỉa hè chính là nơi nguồn lợi lớn đến mức các nhóm lợi ích không dễ gì bỏ qua, kể cả chà đạp lên qui định của pháp luật. Ông Đoàn Ngọc Hải "dám" động đến vỉa hè có nghĩa là ông đã động đế lợi ích nhóm của khá nhiều người, trong đó có không ít quan chức "tai to mặt lớn".

Chính ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã thừa nhận: "Vỉa hè thành phố hiện nay như mảnh đất vàng, chỉ cần sơ hở là có người nhảy vào chiếm dụng để kinh doanh”. Ông Tuyến cũng khẳng định "vẫn còn tồn tại lợi ích nhóm trong việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh. Vì vậy, để lập lại trật tự vỉa hè cần có thời gian, phương án, kế hoạch cụ thể".

Đúng vậy, nhóm lợi ích, ở mọi cấp độ xuất hiện ở mọi nơi. Chính nhóm này đang là một thế lực, chi phối cả chính quyền, lấn át cái tốt, sự tử tế, trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự hưng thịnh của quốc gia.

Thế nên, trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cụ thể là nhóm lợi ích “lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội”, mặc dù được dư luận đồng tình ủng hộ, người dân hưởng ứng, nhưng do đơn phương một mình chống lại rất nhiều nhóm lợi ích nên việc ông Hải thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Quay trở lại với câu chuyện người phụ nữ chủ shop quần áo vì muốn "dằn mặt" người bán hàng rong nên đã chèn lên mẹt hoa quả của người này một cách không thương tiếc. Xin hỏi, vỉa hè nơi người bán hàng rong ngồi bán hoa quả kia có phải của chủ shop quần áo không? Có lợi ích nhóm nào "bảo kê" để chủ shop quần áo tự coi trời bằng vung, phát hoại tài sản của người khác như vậy?

Từ câu chuyện cái vỉa lè lề đường ở trung tâm thành phố lớn, đến câu chuyện chèn nát mẹt hoa quả của người bán hàng rong khiến chúng ta không thể không nghĩ đến cụm từ "lợi ích nhóm", và càng cảm thông cho cái sự "về vườn" của ông Đoàn Ngọc Hải bởi "lực bất tòng tâm".

Cần nhớ, chúng ta đang hướng đến xây dựng đô thị văn minh, rồi tiến tới đô thị thông minh. Để làm được điều đó, trước mắt phải làm được điều bình thường nhất là giải quyết vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép.

Chính vì vậy, đừng xem cái vỉa hè, lề đường thành phố lớn chuyện nhỏ. Xét trên nhiều bình diện, vỉa hè, lề đường chính là bộ mặt của một thành phố, của một quốc gia. Ở đó, nó thể hiện trình độ quản lý của chính quyền, trình độ văn minh, dân trí của một quốc gia.

Và để lập lại trật tự vỉa hè, điều quan trọng nhất là phải đặt nguyên tắc thượng tôn pháp luật lên hàng đầu thì mới chế ngự được lực cản của lợi ích nhóm. Nếu ngay chính pháp luật còn có thể bị bẻ cong bởi nhóm lợi ích, thì việc xử lý vỉa hè sẽ còn là câu chuyện dài tập chưa có hồi kết.

Và nếu như chưa giải được bài toán vỉa hè đô thị, xin cũng đừng vỗ ngực nói rằng chúng ta đang tiến tới xây đô thị văn minh, rồi tiến tới đô thị thông minh nữa.

An Nhiên

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tu-via-he-nghi-ve-do-thi-thong-minh-165900.html