Từ chuyện bông hồng cài áo ngẫm về chuyện báo hiếu mẹ cha (1): Con cái thực ra có biết thương cha mẹ không?

Trong cuốn sách Bông hồng cài áo, có đoạn sư ông Thích Nhất Hạnh viết: Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc.

Từ câu chuyện bông hồng cài áo ấy, ngẫm về sự báo hiếu cha mẹ của chúng ta hiện nay, thấy nhiều điều đáng để nói.

Lâu nay chúng ta vẫn thường hiểu về việc báo hiếu cha mẹ theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt, đó là đền đáp công ơn cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng khi cha mẹ đã mất. Và cũng trong cái nhìn thường tình lâu nay thì những ông bố bà mẹ nào được con cái báo đáp một cuộc sống đủ đầy cái ăn cái mặc, có người phục vụ chăm sóc phụng dưỡng thì những người con đó được gọi là những người con có hiếu.

Thế nhưng thực tế đời sống lại cũng cho thấy, có những người cha người mẹ dù chẳng thiếu thứ gì, thừa tiền con mang về biếu nhưng họ lại hiu hắt cô đơn.

Bà Hòa năm nay 89 tuổi. Chồng bà mất đã hơn 10 năm nay và hiện đang ở với vợ chồng anh Tính, con trai thứ của bà. Vì công việc gia đình con cái bận bịu nhiều thứ nên vợ chồng anh Tính thuê một người giúp việc chỉ để chăm sóc mẹ. Bà cụ được người giúp việc chăm sóc cẩn thận chu đáo. Mặc dù không thiếu một thứ gì, được giúp việc chăm sóc từ đầu tới chân, con cháu không ai hỗn hào gì nhưng cụ Hòa vẫn buồn lắm. Hàng ngày, cụ Hòa thường nhờ chị giúp việc đỡ ra khoảng sân nhỏ trước nhà để ngồi nhìn ra cửa. Cụ bảo “ngồi đây để đứa nào đi về tao còn biết”. Cụ nhớ con, nhớ cháu. Ngày nào cũng như ngày nào, cụ cứ ngồi chờ cửa đợi vợ chồng anh Tính đi làm về, vừa ngồi nhắc hết tên đứa con này đến đứa con khác.

Cụ Hòa không chỉ có một mình anh Tính mà cụ có đến 7 người con. Các con cụ ai cũng phương trưởng thành đạt nhưng mỗi người mỗi nơi, xa cũng có mà gần cũng có.

Có đứa con ở cách cụ vài chục cây số nhưng chỉ khi nào nhà có việc như giỗ chạp, tết nhất thì họ mới tụ tập về. Về nhà thì các con lại mang tiền ra biếu mẹ, nói 3 câu chuyện cho mẹ vui rồi lại đi. Nên lúc nào cụ cũng thấy nhớ con.

Chị Thơm giúp việc kể rằng, cụ Hòa cao tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh nên chị khá nhàn trong việc chăm sóc. Công việc vất vả nhất là …phải ngồi nghe những câu chuyện lặp đi lặp lại về những người con của cụ, về tuổi nhỏ như thế nào, tính cách của từng đứa ra sao. Đêm thậm chí cụ còn không cho chị ngủ, cứ dựng chị dậy để kể về chuyện ngày xưa thằng Hải, thằng Hòa nó ăn uống, nó nghịch ngợm, nói năng ra làm sao. Ngày nào mà không được kể chuyện về các con của cụ thì ngày đó cụ bứt rứt không yên. Dường như khi được nói chuyện về các con, cụ mới thỏa nỗi nhớ mong. Đó là cách cụ Hòa giao tiếp với con bằng …hoài niệm.

Thực tế thì không riêng gì con của cụ Hòa mà đa số con cái chúng ta thường vô tình để cha mẹ già buồn khổ mà không hay biết. Đời sống tình cảm, đời sống tinh thần của người già là thứ họ thiếu thốn nhất. Sự thiếu thốn đó ở cha mẹ, đương nhiên lỗi vẫn là ở con cái.

Có điều kiện kinh tế khá giả là điều kiện tốt nhất để con cái báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều người vì không hiểu tâm lý người già, không hiểu thấu đáo về đạo lý nên họ vẫn không thể báo hiếu cha mẹ được một cách thực thụ. Họ mang về cho cha mẹ thật nhiều tiền, mua cho cha mẹ thật nhiều quần áo, ăn uống không thiếu một thứ gì, cha mẹ có người hầu kẻ hạ…nhưng lại thiếu một thứ quan trọng nhất đó là … tình thương.

Nhiều người, khi bố mẹ nằm đấy, không thể tự phục vụ bản thân được nữa thì họ thuê giúp việc để chăm sóc cha mẹ. Những người con nghĩ rằng cha mẹ có người chăm sóc như vậy rồi là đủ. Họ không biết rằng, cũng là việc lấy chiếc khăn lau mặt cho cha mẹ nhưng người giúp việc làm sao có thể lau bằng tất cả sự lo lắng yêu thương như con lau cho cha mẹ được.

Cũng là việc lau mặt nhưng đối với cha mẹ, người giúp việc lau thì khác, mà con cái lau cho mình lại rất khác. Cùng là lau mặt nhưng khi được con cái lau cho mình, cha mẹ sẽ thấy ấm lòng hơn, thấy đỡ quạnh quẽ hơn.. Cũng cùng là việc lau mặt nhưng con cái lau cho cha mẹ bằng tình thương trào dâng rất khác với việc lau cho cha mẹ bằng sự chịu đựng.

Nhưng điều đáng tiếc con cái chúng ta thường không để ý đến những điều sâu kín đó. Chúng ta thường chỉ « chăm sóc phụng dưỡng » cha mẹ bằng bổn phận trách nhiệm nhiều hơn là tình thương. Nên dù có có cho cha mẹ thật nhiều tiền, có thuê người chăm sóc cha mẹ chu đáo đến cỡ nào nhưng nếu con cái không thương cha thương mẹ thì sự hiếu đễ không thể có được một cách thực sự.

Như sư ông Thích Nhất Hạnh đã viết trong cuốn Bông hồng cài áo : Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi... Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ. Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi!”.

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-chuyen-bong-hong-cai-ao-ngam-ve-chuyen-bao-hieu-me-cha-1-con-cai-thuc-ra-co-biet-thuong-cha-me-khong-20180816075525755.htm