Tự chủ trong giáo dục: Nên giao cho cả các trường phổ thông?

Có nhiều ý kiến cho rằng cần giao cơ chế tự chủ cho cả các trường phổ thông, phải cụ thể hóa vào trong Luật giáo dục sửa đổi lần này, để tạo điều kiện thúc đẩy sự thay đổi về 'chất' đối với việc dạy và học ở các trường, như ý kiến của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Hiện nay, có nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở trường, nhưng hiệu trưởng hay hội đồng trường (đối với trường ngoài công lập) không tự quyết được như: Tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, tự chủ trong dạy và học, chương trình học… khiến cho công tác này phần nào đó gặp khó khăn với những quy định không phù hợp. Với giáo dục ĐH, vấn đề tự chủ đã có hành lang pháp lý nhưng ở bậc THPT dân lập thì tự chủ giáo dục còn rất mới mẻ và hiện chưa có một văn bản pháp luật nào đề cập đến.

Vấn đề tự chủ của trường phổ thông được cho là chưa có văn bản luật nào đề cập đến. (Ảnh P.T)

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, đổi mới giáo dục phổ thông, hướng tới giao quyền tự chủ cho các trường không phải cho tới thời điểm này mới được đặt ra. Trước đó từ năm 2015, ngay khi Bộ GD&ĐT hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để công bố lấy ý kiến của toàn xã hội, một vấn đề đã được nêu ra: Chương trình phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp, hình thức dạy học cộng với việc sử dụng phương tiện dạy học hiệu quả. Song hành với đó là sự chủ động của học sinh trong việc tìm tòi kiến thức.

Đánh giá của Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng, do cách tiếp cận mục tiêu của chương trình giáo dục hiện hành chủ yếu bằng trang bị kiến thức nên phương pháp dạy học vẫn theo lối truyền đạt một chiều, học sinh thụ động, ghi nhớ máy móc kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa (SGK) mà ít được rèn luyện phương pháp học. Hình thức tổ chức dạy học chủ yếu là trên lớp học, chưa dành thời lượng thỏa đáng cho các hoạt động trải nghiệm. Đây là một nguyên nhân làm mất dần hứng thú học tập, gây quá tải.

Những hạn chế về cách thiết kế nội dung các môn học và hoạt động giáo dục cùng với những hạn chế về hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phương pháp và nội dung của hoạt động kiểm tra, đánh giá là nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả của giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng; hạn chế hiệu quả hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chưa đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng, phát triển khả năng sáng tạo, tự học để học tập suốt đời.

Để làm tốt những định hướng nói trên thì đòi hỏi việc quản lý thực hiện chương trình giáo dục phổ thông phải được đổi mới mạnh mẽ bởi việc quản lý thực hiện chương trình hiện hành chưa phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên, cán bộ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục; chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục của các vùng khó khăn. Thiếu tính hệ thống trong việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện chương trình.

Đối với việc tự chủ về nhân sự, Bà Nguyễn Thị Hường - hiệu trưởng Trường tiểu học Sài Đồng (Hà Nội) nêu quan điểm: Cần cho phép nhà trường tự chủ về nhân sự và cụ thể là tuyển chọn giáo viên. Theo bà, khi đã tự chủ được nhân sự, nhà trường sẽ cân đối được tỉ lệ giáo viên cơ hữu với giáo viên hợp đồng. Để quản lý tốt tuyển dụng, bà Hường cho rằng phải bổ sung tiêu chí về tuyển dụng.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng không nên nhầm lẫn giữa quyền tự chủ của hành vi cá nhân với quyền tự chủ của mỗi cơ sở giáo dục được Nhà nước trao cho.

Ông nêu thực trạng tự chủ trong nhà trường không đơn giản và trên thực tế hệ thống trường công vẫn đang hoạt động như thời bao cấp cả về con người, cơ chế, tiền lương và tài chính. Vì vậy, ông cho rằng phải xây dựng ngay hành lang pháp lý, đó mới là bước đi đầu tiên để trao quyền tự chủ cho nhà trường.

Trước băn khoăn này, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, việc quản lý chương trình phổ thông sẽ được đổi mới theo định hướng dựa trên tinh thần phân cấp cho địa phương, giao quyền tự chủ cho cơ sở nhằm phát huy sự sáng tạo, chủ động của địa phương, phù hợp với thực tiễn địa phương và nhà trường. Mỗi môn học có thể có nhiều SGK.

Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, việc giao quyền tự chủ sẽ trên cơ sở đúng việc, đúng chức năng, đúng thẩm quyền. Cụ thể, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Bên cạnh đó cũng từng bước bồi dưỡng nâng cao năng lực; giao việc cho người có năng lực làm được. Chẳng hạn, phải bồi dưỡng năng lực cho giáo viên để đảm bảo tính khả thi thực hiện chương trình mới; bồi dưỡng về phương pháp dạy học, phương pháp soạn đề thi; khuyến khích, phát hiện nhân tố mới…

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tu-chu-trong-giao-duc-nen-giao-cho-ca-cac-truong-pho-thong-108624.html