Tự chủ thế nào để không có 'đại học Đông Đô' thứ hai?

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập ở Việt Nam trong thời gian qua đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, để phát huy cơ chế này một cách hiệu quả nhất thì cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ bằng những giải pháp thiết thực hơn nữa.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và thực hiện quyền tự chủ ra sao để bảo đảm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời, vẫn bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội như giá học phí và khả năng tiếp cận thị trường việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề cốt lõi của ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

“Tự chủ đại học giống như sự trưởng thành của mỗi con người”

Trước vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Tự chủ đại học là một thuộc tính, tức là một trong những tính chất cơ bản của đại học. Đôi khi ở nước ngoài, trường đại học sinh ra đã tự chủ.

Tự chủ đại học dựa trên ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất, tự chủ về học thuật. Điều này nghe thì dễ nhưng thực chất lại hoàn toàn không dễ. Trước đây, các trường đại học na ná nhau, chỉ khác nhau chất lượng. Hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý để đảm bảo điều kiện, đảm bảo chất lượng, các trường có thể mở ngành và tự chủ về cơ cấu, phương thức, chương trình đào tạo và kinh tế... Thứ hai, các trường tự chủ về bộ máy cơ cấu tổ chức; Thứ ba, tự chủ về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh không có ngân sách Nhà nước”.

Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội phân tích thêm: “Bên cạnh đó, các trường đại học cần đảm bảo trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch học phí, chất lượng đào tạo, tỷ lệ việc làm,…

Các trường đại học ngoài công lập ở một khía cạnh nào đó, đã tự chủ ngay từ khi thành lập. Còn các trường công lập, vẫn còn nhận được ngân sách Nhà nước cũng đang chuyển giao sang tự chủ theo một cách thức nào đó, như đảm bảo số lượng sinh viên, khả năng tăng trưởng… Tự chủ đại học giống như sự trưởng thành của mỗi con người!”.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Trần Văn Tớp cũng điểm qua một số yếu điểm của các trường đại học chưa sẵn sàng tự chủ: “Những ngành khoa học cơ bản, công nghệ cần, đất nước cần nhưng người học chưa mặn mà, Nhà nước phải giao nhiệm vụ và đặt hàng, có những đãi ngộ tốt để thu hút sinh viên hơn, ngành không bị mai một.

Đội ngũ cán bộ phải đủ trình độ để đào tạo, đảm đương về học thuật, đảm bảo tài chính. Những trường có nguồn tài chính dồi dào nhưng không có sinh viên thì cũng không tồn tại.

Một số trường đại học tuyển sinh khó khăn, nguồn nhân lực bị chững lại, đào tạo đội ngũ cán bộ đông, chưa sẵn sàng thay đổi hệ thống quản trị. Những trường như vậy rất khó tự chủ, cần từng bước chuyển biến. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tùy vào điều kiện của trường”.

Không thể biến các trường đại học trở thành cơ sở kinh doanh giáo dục

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục nhận định: “Trước hết, để tự chủ đại học, cần có một bộ tiêu chuẩn, các trường phải tuân theo. Nếu không có bộ tiêu chuẩn mà giao cho các trường tự chủ thì rất dễ xảy ra chuyện, các trường có thể làm những điều sai trái, không phù hợp với yêu cầu của một trường đại học, làm giảm chất lượng đào tạo và gây ra những ảnh hưởng xấu đối với xã hội.

Chẳng hạn, các trường đại học chưa có uy tín, thí sinh thi vào ít, có thể dẫn đến việc ra đề và chấm thi dễ dãi, tuyển sinh ồ ạt không qua thi cử, cứ nhận tuyển sinh từ khi thí sinh chưa thi đại học…

Đồng thời, trong bộ tiêu chuẩn cũng đưa ra những quy định để tránh trường hợp như sai phạm của trường đại học Đông Đô”.

TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng: “Đặc biệt, không thể để các trường lựa chọn tự chủ hay không tự chủ mà phải yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường và phải có những quy định ràng buộc rõ ràng”.

Các trường đại học phải tự chủ về kinh tế, công tác tuyển sinh. Về kinh phí, nếu để các trường hoàn toàn tự chủ và không có quy định rõ ràng thì rất dễ xảy ra tiêu cực như không chú trọng chất lượng.

Trường đại học ở các nước trên thế giới có nguồn lực lớn nhất đến từ đào tạo quốc tế. Tuy nhiên, điều đó cũng đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường đại học ở Việt Nam cũng cần học hỏi, thu hút sinh viên và đào tạo quốc tế.

Đồng thời, cần “siết chặt” hệ thống văn bằng, tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn trong đào tạo dẫn đến hỗn loạn văn bằng như hiện nay”.

“Bên cạnh đó, phải kích thích được các trường đại học nghiên cứu khoa học, sử dụng các nghiên cứu khoa học để tăng nguồn lực, thu hút kinh tế cho chính các trường đại học. Không thể biến các trường đại học trở thành cơ sở kinh doanh giáo dục!

Về chất lượng đào tạo, cần có những “ràng buộc” về tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm, đảm bảo chất lượng đào tạo. Đối với những trường có tỷ lệ việc làm cao thì nên có những hỗ trợ kinh tế từ Nhà nước. Đó có thể là giải pháp để nâng cao hiệu quả đào tạo”, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương khẳng định.

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục.

Đồng tình với quan điểm của TS. Vũ Thu Hương, PGS.TS Trần Văn Tớp phân tích: “Như vậy, để các trường đại học có thể tự chủ, cần xây dựng điều kiện đảm bảo chất lượng; bắt buộc xây dựng một bộ máy hiệu quả và tự chủ tài chính.

Các trường đại học ở nước ngoài, nguồn tài chính đa dạng đến từ nhiều nguồn khác nhau, như xã hội hóa hay nghiên cứu khoa học. Tại Việt Nam, nguồn tài chính của phần lớn các trường cả công lập và ngoài công lập đến từ học phí của sinh viên, học viên.

Hiện nay, yêu cầu có chất lượng đào tạo tốt, thu hút người học mới đảm bảo tài chính. Nhưng nếu chỉ chăm chăm thu hút tài chính mà bỏ ngỏ chất lượng thì cũng không thể tồn tại. Bài toán giữa quy mô và chất lượng thì chất lượng là yếu tố “sống còn”. Các trường đại học cũng nên chú ý đến nguồn tài chính khác như xã hội hóa, khoa học công nghệ”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT thông tin: Mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ thì thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường hiện nay.

Khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và sắp tới là Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì đối với các cơ sở Giáo dục đại học công lập sẽ thực hiện theo Điều 65 của Bộ Luật này. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng những quy định của khoản 2 Điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì được tự chủ xác định mức thu học phí.

Tuy nhiên, việc xác định mức thu như vậy phải căn cứ vào định mức mức thu kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toàn, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin.

Đặc biệt, các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết đã tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí giáo dục đào tạo. Điều này làm căn cứ để các trường ra được quyết định đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-chu-the-nao-de-khong-co-dai-hoc-dong-do-thu-hai-a448461.html