Tự chủ tài chính sẽ làm 'bộ lọc' loại bỏ những trường yếu kém

Từ trước đến nay, nhờ vào cơ chế bao cấp tài chính, nhiều trường nghề không tuyển đủ chỉ tiêu vẫn tồn tại nhờ vào nguồn tài chính từ ngân sách. Vì thế, việc áp dụng tự chủ tài chính sẽ loại bỏ những trường đào tạo yếu kém.

Bất cập bao cấp tài chính

TP Hồ Chí Minh là địa bàn có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước và tăng nhanh qua các năm. Đến nay, TP Hồ Chí Minh có 392 cơ sở, bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề.

Từ năm 2006 đến nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề công lập tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng đề án tự chủ một phần theo Nghị định số 43 của Chính phủ. Sau hơn 10 năm triển khai, chủ trương này đã thể hiện nhiều bất cập về tính tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý và sử dụng tài sản, phân phối kết quả tài chính…

Trước vấn đề trên, ngày 10/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” nhằm nghe ý kiến các trường cũng như những giải pháp để tự chủ tài chính hiệu quả hơn.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, việc tự chủ tài chính đối với các trường cao đẳng, trung cấp nghề là việc lẽ ra phải làm ngay từ đầu khi nhà nước dừng ngân sách đầu tư thành lập trường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cơ chế này không được áp dụng trong một thời gian dài.

Các trường nghề khó tuyển sinh nên ngại tự chủ tài chính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trường nghề ngại tự chủ tài chính, trong đó nguyên nhân chính là do lo lắng không tuyển sinh đủ số lượng nên nếu hòa vốn sẽ rất khó tồn tại. Bên cạnh đó, việc không tự chủ tài chính còn có nhiều nguyên nhân xuất phát từ một thời gian dài nới lỏng các điều kiện cấp phép hoạt động cho các trường đại học.

“Trường đại học mọc lên ngày càng nhiều đến mức hút hết người học, làm cho người đi học trung cấp nghề, cao đẳng giảm đáng kể. Hiện nay, nhiều trường cao đẳng nghề bán cho các trường đại học vì không tuyển sinh được”, TS.Điền chia sẻ.

Cũng theo TS Huỳnh Thanh Điền, cơ chế bao cấp tài chính dẫn đến các trường thiếu tự chủ, triệt động lực sáng tạo, năng động của các trường. Điều này dẫn đến những trường yếu kém vẫn tồn tại, chưa kể do được nuôi từ nguồn ngân sách dẫn đến đầu tư lãng phí, tăng gánh nặng ngân sách nhưng lại đào tạo ra sản phẩm thiếu về số lượng lẫn chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Thêm cơ chế giao quyền tự chủ

Trước những nguyên nhân trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ chế tài chính được áp dụng chung cho tất cả các trường nghề, đồng nghĩa với việc tạo ra một bộ lọc loại bỏ những trường không phù hợp yếu kém, khi đó sẽ tạo ra động lực giúp các trường nghề tự đổi mới về chương trình, phương pháp đào tạo, nâng chất đội ngũ giảng viên, kết nối doanh nghiệp; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong việc thu hút học viên, khi đó sẽ không còn tình trạng cào bằng trong phân bổ ngân sách, tránh lãng phí trong đầu tư.

Theo nhiều đại biểu, khó khăn lớn nhất mà các trường cao đẳng, trung cấp công lập tại TP Hồ Chí Minh đang gặp phải trong việc thực hiện tự chủ tài chính là không được tự chủ hoàn toàn về nhân sự hay chương trình đào tạo.

Bà Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, cho rằng một số ngành “hot” của trường như đào tạo làm ca sĩ, diễn viên... muốn tuyển sinh thêm cũng không có chỗ học; hay khi muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành thì cơ sở vật chất không đáp ứng nên không tuyển được. Bên cạnh đó, khi tiến tới tự chủ tài chính, vấn đề học phí của sinh viên cũng rất nan giải, không phải sinh viên nào cũng đáp ứng được mức học phí khi các trường hướng tới tự chủ tài chính.

“Để hướng tới các trường tự chủ tài chính hoàn toàn, trước mắt cần phải xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường để trường có thể tăng nguồn tuyển sinh và có thêm nguồn tài chính để hoạt động, vì đặc thù của trường đào tạo ra những ngành phục vụ cho nhu cầu văn hóa nghệ thuật của thành phố nên cần có một cơ chế đào tạo theo nhiệm vụ chính trị”, bà Nga đề xuất.

Theo nhiều đại biểu, để hướng tới tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020, các trường cần phải có những hướng dẫn cụ thể để hoạch định lộ trình tự chủ, cần một cơ chế giao quyền tự chủ tài chính phù hợp với điều kiện thực tế như mức khung học phí, chế độ miễn giảm học phí…

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã Hội TP Hồ Chí Minh, cho biết trong thời gian tới sẽ đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác. Theo đó, tổ công tác này sẽ có nhiệm vụ thực hiện quy hoạch phát triển nghề nghiệp trên địa bàn thành phố và thực hiện lộ trình hướng tới tự chủ tài chính.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, để hướng tới tự chủ tài chính tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, thành phố cần phải có một chính sách cụ thể như đầu tư về cơ sở vật chất; về lao động dôi dư khi sát nhập các trường vào với nhau; kỳ hạn trong bao lâu tự chủ tài chính được, nếu tới thời gian đó không có khả năng thì buộc phải sát nhập…

Đan Phương/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/tu-chu-tai-chinh-se-lam-bo-loc-loai-bo-nhung-truong-yeu-kem-20171110145817379.htm