Tự chủ tài chính - cần cơ chế phù hợp cho trường sư phạm

Đề cập đến tự chủ ĐH, PGS.TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho biết: 'Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã tiếp cận tự chủ khoảng 3 năm nay. Hiện chúng tôi tự tin khi triển khai tự chủ về điều kiện đảm bảo chất lượng nhà trường, nhưng tự chủ về tài chính thì cần cơ chế phù hợp cho trường sư phạm'.

Sinh viên Khoa Toán học K50 tham gia Hội thi “Thiết kế và dạy học theo chủ đề tích hợp”.

Sinh viên Khoa Toán học K50 tham gia Hội thi “Thiết kế và dạy học theo chủ đề tích hợp”.

Chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo

Thống kê mới đây của trường, SV K48, K49 rất nhiều em xin được việc, có ngành như mầm non, tiểu học, 100% SV tốt nghiệp xin được việc làm luôn. Điều này cho thấy SV tốt nghiệp của trường thích ứng được với thị trường tuyển dụng lao động. Để thấy rằng trong tự chủ ĐH, trách nhiệm của cơ sở đào tạo là làm sao SV tốt nghiệp ra trường được xã hội đón nhận, các nhà tuyển dụng chào đón.

Chúng tôi tiến hành tự chủ trong vấn đề đảm bảo chất lượng của nhà trường, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội, trước người học về chất lượng đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường từ năng lực đội ngũ đến CSVC, chương trình, nội dung, các hoạt động kiểm tra đánh giá, quản lý đào tạo... Tất cả những nội dung này đều phải thể hiện tính chủ động của trường.

PGS Nguyễn Thị Tính

Một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng tốt nhất là năng lực đào tạo, năng lực đội ngũ. Đội ngũ có giỏi, có chất lượng thì đào tạo mới tốt được. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã chủ động trong việc xây dựng chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ để phát triển đội ngũ giảng viên. Từ năm 2018, trường đã thay đổi chế độ tuyển dụng giảng viên mới: Tuyển dụng giảng viên, tạo nguồn phải có trình độ tiếng Anh quốc tế trở lên, chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS. Cùng đó, yêu cầu giảng viên tạo nguồn là SV giỏi, SV xuất sắc từ các chuyên ngành, sau đó phải đi học tập tại nước ngoài, khi quay trở về nhà trường sẽ tuyển dụng chính thức.

Bên cạnh đó, trường có nhiều hoạt động để bồi dưỡng phát triển năng lực đội ngũ giảng viên. Ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học thì giảng viên phải gắn với các hoạt động ở trường phổ thông để trải nghiệm thực tế, từ đó quay trở lại phục vụ việc đào tạo SV được tốt hơn. Lúc đầu các thầy cô phản ứng, cho rằng đó là việc mất thời gian! Nhưng khi đi trải nghiệm về, các giảng viên rất phấn khởi. Có người chia sẻ: Lúc đầu tưởng khó khăn nhưng đến trường phổ thông rồi mới thấy rằng mình hỗ trợ họ được nhiều và họ cũng cho mình rất nhiều bài học!

Ảnh minh họa

Khó khăn trong tự chủ tài chính

PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên). Ảnh: Diệu Ngọc

Mặc dù đào tạo sư phạm được bù học phí, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) không được phép thu học phí. Thế nhưng với nguồn chi thường xuyên của nhà trường thì chưa đủ để trả lương cho giảng viên theo mức hiện nay. Trường phải tự chủ tìm các nguồn thu khác từ các lớp bồi dưỡng, từ các nguồn đào tạo liên thông, từ các chương trình khác, từ các hoạt động dịch vụ để trả phần lương tăng thêm cho cán bộ.

Hiện lương tăng thêm cán bộ nhà trường là hệ số 1,4. Trả lời câu hỏi: “Tại sao lại nghĩ đến vấn đề trả lương tăng thêm?” PGS Nguyễn Thị Tính chia sẻ: Thái Nguyên cách Hà Nội chỉ 80 km. Nếu giảng viên có học hàm, học vị, chuyên môn giỏi mà đời sống không tốt thì họ sẽ chuyển về Hà Nội công tác ngay. Chúng tôi phải nghĩ đến việc trả lương tăng thêm để giữ chân giảng viên. Tiết kiệm mọi nguồn để đảm bảo đời sống cho cán bộ giảng viên, tạo động lực phấn đấu cho họ. Lương trung bình của cán bộ giảng viên tính trên đầu người hiện nay khoảng 11 triệu đồng/tháng. Người cao nhất hơn 20 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó giảng viên sẽ yên tâm công tác hơn”.

Theo đơn vị quản lý nhà trường, trong nội dung tự chủ tài chính, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) mới chỉ tự chủ một phần. Đào tạo sư phạm rất khó tự chủ hoàn toàn. Nhìn ra các nước phát triển như Đài Loan, Singapore, Australia… vẫn cấp học phí cho ngành sư phạm. “Chúng tôi học phí không được thu, đào tạo bị kiềm chế bởi ngưỡng chuẩn. Giờ bảo trường sư phạm tự chủ 100% thì rất khó. Trường sư phạm nên có cơ chế đặc biệt trong tự chủ, như tự chủ bao nhiêu % về tài chính, tự chủ về chương trình như thế nào…” – PGS Nguyễn Thị Tính đề xuất.

Thay đổi chương trình như di dời một nghĩa địa!

Trong quá trình triển khai tự chủ nhà trường, điều khiến PGS Nguyễn Thị Tính trăn trở nhất chính là việc đổi mới chương trình đào tạo. Đây là điều nhà trường quyết tâm thực hiện từ năm 2014 đến nay nhưng mỗi lần “xắn tay quyết liệt” thì chỉ làm được một chút, chưa thực sự triệt để.

Theo PGS Nguyễn Thị Tính, thay đổi chương trình đào tạo giáo viên như di dời một nghĩa địa vậy, cực kỳ nhiều rào cản. Tư duy từ xưa đến nay các giảng viên của trường quan niệm môn này của thầy A, môn kia của thầy B, rồi “môn này của tôi xưa nay vẫn đào tạo, tôi vẫn dạy, bây giờ không thể mất đi được”. Khi triển khai đổi mới chương trình, có thể hàng loạt các môn bị “bay” đi, rồi động chạm quyền lợi, tự ái cá nhân… Vượt qua các rào cản này không dễ dàng. Vậy nên khi tiến hành thay đổi chương trình là như một cuộc chiến!

Sau khi đổi mới chương trình bước 1 năm 2014, 2015, 2016, nhà trường nhìn lại thấy có sự thay đổi nhưng chưa được như mong muốn. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) lại quyết liệt rà soát một lần nữa. Đáng mừng là lần đổi mới vừa rồi giảng viên đồng tâm nhất trí với nhà trường. Đây là niềm vui cho những người quản lý như PGS.TS Nguyễn Thị Tính trên bước đường đổi mới trường ĐH, hướng vào dòng chảy tự chủ ĐH.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-tai-chinh-can-co-che-phu-hop-cho-truong-su-pham-3986495-b.html