Tự chủ tài chính - bài học từ đại học của nước ngoài

Tự chủ trong giáo dục đại học là vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm của không chỉ các trường mà còn của cả các giáo viên, sinh viên và dư luận xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có một số trường thực hiện tự chủ thí điểm, cho nên việc học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm từ các trường đại học nước ngoài là rất quan trọng. Một số GS, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những kinh nghiệm tự chủ tài chính Đại học từ quá trình nghiên cứu, theo dõi của mình.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một trong những trường đang áp dụng cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học.

Trường tự chủ, Nhà nước giám sát

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, tiến trình tự chủ tài chính nói riêng và tự chủ đại học nói chung là con đường để các quốc gia chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống giáo dục đại học từ mô hình nhà nước điều hành thành mô hình nhà nước giám sát. Tiến trình này chủ yếu diễn ra ở các quốc gia châu Á có hệ thống giáo dục đại học vận hành theo mô hình nhà nước điều hành với những bước đi mạnh mẽ hay thận trọng tùy theo bối cảnh cụ thể. Những quốc gia có chuyển đổi tự chủ mạnh từ hơn 20 năm nay ở châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia…

GS. TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, nhìn chung, phương pháp tiếp cận đối với tự chủ tài chính đại học của tại các quốc gia châu Á có nhiều nét tương đồng với các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Đại Dương. Đối với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, động lực để chính phủ triển khai tự chủ tài chính là thúc đẩy các trường đại học đa dạng hóa nguồn thu từ tư nhân để hỗ trợ cho hoạt động chung của trường đại học bên cạnh các gói tài trợ công có chủ đích; giảm dần các tài trợ thường xuyên và nâng cao khả năng quản lý tài chính của trường đại học hiệu quả hơn. Các chính sách cũng được ban hành cho phù hợp, vừa cắt giảm ngân sách nhà nước vừa cho phép trường đại học chủ động tìm kiếm nguồn thu mới, điều chỉnh chi tiêu và quản lý tài chính hiệu quả.

Một trong những chính sách được các quốc gia châu Á áp dụng rộng rãi để khuyến khích/thúc đẩy tự chủ tài chính là thắt chặt ngân sách chính phủ tài trợ cho các trường đại học, mà thay vào đó là dụng các gói tài trợ hướng vào các mục tiêu cụ thể. Nhật Bản và Trung Quốc là những nơi áp dụng chính sách này. Ở Nhật Bản, trong giai đoạn 2004-2009, tỷ lệ nguồn tài trợ của chính phủ trên tổng nguồn thu của đại học Hiroshima giảm từ 49,6% xuống còn 38,6%, nguồn thu từ các khoản phí đã chiếm 60% nguồn thu của các trường đại học tư nhân; trong khi đó, nguồn tài trợ của chính phủ chỉ còn chiếm 12%.

Ở châu Âu, ngoại trừ đảo Síp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia còn lại trong EU đều nhận được nguồn ngân sách cơ bản từ chính phủ dưới hình thức gói tài trợ phục vụ cho một số hoạt động của trường đại học như giảng dạy, quản trị và nghiên cứu khoa học. Các gói tài trợ này thường có thời hạn một năm, một số trường hợp ngoại lệ có thời hạn lâu hơn như Áo (ba năm) và Luxembourg (bốn năm). Bên cạnh đó, nguồn ngân sách tài trợ này còn được điều chỉnh tùy thuộc vào việc trường đại học đạt các chỉ tiêu hoạt động hàng năm hay không, chẳng hạn như nguồn tài trợ của Anh và Estonia phụ thuộc vào việc trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh hoặc tốt nghiệp hàng năm.

Trong khi đó, ở một số quốc gia khác thì các gói tài trợ được quy định chỉ phục vụ cho những lĩnh vực cụ thể của trường đại học; chẳng hạn như giảng dạy và nghiên cứu ở Iceland và Thụy Điển, lương và chi phí hoạt động ở Bồ Đào Nha, đầu tư, lương và chi phí hoạt động ở Pháp. Hoặc như trường hợp của Cộng hòa Séc, chính phủ quy định 80% gói tài trợ phải sử dụng cho mục đích giảng dạy và 20% còn lại cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Như vậy, có thể thấy rằng chính phủ vẫn giữ vai trò kiểm soát mục đích/lĩnh vực mà các trường đại học sử dụng gói tài trợ, hoặc quy định việc phân bổ gói tài trợ của các trường đại học, nhưng điểm tiến bộ là gói tài trợ này gắn với kết quả hoạt động của trường.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đưa ra một thí dụ ở Anh. Trong 40 năm qua, giáo dục đại học ở Anh đã chuyển từ một hệ thống được tài trợ công sang một hệ thống công/tư hỗn hợp, như một thị trường tiêu dùng dựa trên vốn vay, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng chi phí bao gồm cả sinh viên tốt nghiệp và trường đại học, tuy nhiên, tài chính giáo dục đại học Anh vẫn phải chịu sự kiểm soát của chính phủ. Các trường đại học vẫn phụ thuộc một phần vào nguồn ngân sách của chính phủ dưới hình thức hỗ trợ liên quan đến nghiên cứu, trợ cấp giảng dạy và trợ cấp của hệ thống cho vay...

Khuyến khích đa dạng nguồn thu

Về việc tạo nguồn thu, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, các trường đại học ở châu Âu được khuyến khích đa dạng nguồn thu từ hỗ trợ của chính phủ; tài trợ của các quỹ nghiên cứu của chính phủ; các nguồn khác từ chính phủ, tư nhân, quốc tế và nguồn thu do trường đại học tạo ra.

Ở châu Á, theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, cùng với các chính sách cắt giảm nguồn tài trợ, chính phủ các quốc gia châu Á cũng nới lỏng các quy định về nguồn thu để tạo điều kiện cho trường đại học tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia châu Á chưa thực sự mở rộng chính sách thu học phí cho trường đại học mà vẫn còn đó những quy định khá chặt chẽ và thậm chí là áp dụng trần học phí. Nguyên nhân chính là họ e ngại các trường đại học vận hành hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà xa rời các mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế. Các trường đại học Trung Quốc tìm kiếm các nguồn thu tư nhân từ cựu sinh viên, tài trợ của xã hội, học phí và hợp đồng nghiên cứu khoa học. Các trường đại học tại Indonesia được tự do tìm kiếm các nguồn thu khác như thu từ học phí, hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp. Với Nhật Bản, vào năm 2004, các trường đại học quốc gia được chuyển đổi thành các công ty cổ phần đại học quốc gia. Cụ thể, học phí là nguồn thu của riêng trường đại học, thay vì trước kia phải nộp về cho nhà nước.

Những kinh nghiệm này vô cùng có giá trị đối với Việt Nam để lựa chọn một mô hình phù hợp trong quá trình tự chủ giáo dục đại học đang được xã hội quan tâm hiện nay.

KHÁNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/37332002-tu-chu-tai-chinh-bai-hoc-tu-dai-hoc-cua-nuoc-ngoai.html