Tự chủ sẽ khiến các trường nghề vận động theo cung - cầu

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cơ chế tự chủ sẽ giúp các trường nghề vận động theo quy luật cung - cầu, trở nên năng động hơn, đào tạo những nghề mà xã hội cần.

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Thưa ông, sau khi thí điểm cơ chế tự chủ tại 3 trường nghề, mặt tích cực của tự chủ là gì?

Không riêng gì hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện tất cả các trường là đơn vị sự nghiệp công đều phải thực hiện cơ chế tự chủ theo nhiều cấp độ gồm: tự chủ một phần, tự chủ chi thường xuyên, hay tự chủ chi đầu tư. Gần đây, khái niệm tự chủ được mở rộng mang tính chất toàn diện, từ tự chủ chỉ tiêu nhiệm vụ đến tổ chức bộ máy và biên chế, đổi mới cơ chế tài chính…

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, quy định tự chủ trên các góc độ chỉ tiêu nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân sự tổ chức bộ máy. Trong hệ thống nghề nghiệp hiện nay, tự chủ theo góc rộng này mới thí điểm tại 3 trường là Trường cao đẳng Công nghệ Quy Nhơn, Trường cao đẳng Lilama II và Trường cao đẳng Kỹ nghệ II.

Qua đánh giá, mặt tích cực nhất là nhà trường được quyết định trong hoạt động, đặc biệt liên quan tới chỉ tiêu nhiệm vụ, chi tiêu tài chính, sắp xếp lại nhân sự. Các trường đã thể hiện được tính năng động, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chuẩn bị gì để thực hiện việc mở rộng tự chủ?

Chúng tôi đã làm rất nhiều việc vì tự chủ tài chính liên quan tới đổi mới cơ chế hoạt động, mà cốt lõi là chuyển đổi từ cơ chế bị động, ngân sách cấp phát cho các trường, sang cơ chế các trường phải hoạt động năng động hơn, chứng minh được cho xã hội thấy hiệu quả, chất lượng đào tạo trước khi nhận được ngân sách của Nhà nước bằng cơ chế đặt hàng. Đây là bước chuyển cơ bản. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không hề đơn giản.

Lý do là, trước khi đặt hàng phải xác định được tiêu chuẩn, chất lượng hàng đó thế nào, đơn giá, những loại hàng nào thì được đặt. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ danh mục những sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện theo cơ chế đặt hàng, đồng thời đưa ra danh mục các ngành nghề mà Nhà nước sẽ đặt hàng như những ngành nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, những ngành xã hội cần nhưng ít người học, những ngành nghề phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm quốc gia.

Việc thứ 2 là xây dựng định mức kỹ thuật. Đây là công việc rất khó, không phải bộ nào cũng làm được. Hiện, Bộ Y tế đang tiên phong làm rất tốt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành được 100 bộ định mức, làm cơ sở xác định đơn giá để đặt hàng.

Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định về nội dung này. Trong chỉ đạo mới đây về tự chủ có cả 3 cấu phần, trong đó, cấu phần tài chính có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp chung, nên Chính phủ giao Bộ Tài chính sẽ xây dựng dự thảo nghị định. Cấu phần về nhân sự, tổ chức bộ máy có thể áp dụng chung, nên Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định. Riêng cấu phần về tự chủ chuyên môn nhiệm vụ, các bộ quản lý chuyên ngành sẽ xây dựng dự thảo nghị định, trình Chính phủ ban hành.

Trước đây, để xây dựng kế hoạch đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải đăng ký, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng mấy năm qua đã cho phép các trường tự xây dựng chỉ tiêu đào tạo dựa trên năng lực, điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường. Tuy nhiên, các trường vẫn phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để cơ quan quản lý đồng ý. Nội dung này chúng tôi đang tiếp tục cải cách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trường.

Nhiều trường lo ngại sẽ phải “tự bơi” khi phải áp dụng cơ chế tự chủ?

Câu chuyện tự chủ không có nghĩa là chúng ta đẩy các trường ra bên ngoài để các trường tự bơi, vì theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ thay đổi cách cấp phát trực tiếp bằng hình thức gián tiếp thông qua đặt hàng là cốt lõi.

Tự chủ không phải là giảm ngân sách, thậm chí, ngân sách dành cho giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng hơn và quản lý theo hướng thay đổi cách thức, quản lý trên hiệu quả đầu ra, thay vì cấp phát bình quân và dàn trải. Nhu cầu đặt hàng các trường sẽ tăng lên dựa trên chất lượng, hiệu quả đào tạo, khiến các trường cần phải vận động, chuyển mình theo quy luật cung - cầu.

Như vậy, các trường yếu kém sẽ không thể tồn tại, hoặc sẽ bị mua bán - sáp nhập?

Đây là điều hiển nhiên, vì theo lộ trình, mỗi năm giảm 2% số trường công, nghĩa là 5 năm tới sẽ có 10% số trường hoạt động không hiệu quả sẽ phải sáp nhập, hoặc giải thể. Những trường trùng ngành nghề đào tạo, gần nhau về mặt địa lý cũng có thể sáp nhập để đảm bảo tăng quy mô, tăng chất lượng đào tạo.

Hiện nhiều địa phương đã vào cuộc và hơn 40 trường công đã được sắp xếp. Trường công liên quan đến vấn đề ngân sách nên lộ trình này sẽ phải làm, nhưng các trường tư lại được khuyến khích tham gia vào hệ thống giáo dục, cứ đủ điều kiện là được cấp phép mở trường đào tạo.

Hải Hà

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-chu-se-khien-cac-truong-nghe-van-dong-theo-cung---cau-d111739.html