Tự chủ ngành dược

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo bắt đầu tiến trình có thể dẫn đến các cải cách về sản xuất dược phẩm nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt vaccine, kháng sinh, giúp chủ động các mặt hàng này khi cần thiết.

Tuần trước, EU cũng vừa đề xuất gói ngân sách trị giá 9,4 tỷ EUR (10,5 tỷ USD) cho đến năm 2027 để hỗ trợ những cải cách này.

Với bước đi quyết liệt này, Liên minh châu Âu (EU) xem như đã thừa nhận những nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19 của họ bộc lộ một số thiếu sót về chăm sóc y tế cũng như sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp thuốc và dược chất thiết yếu từ nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn nhiều tờ nhật báo lớn của châu Âu tháng trước, ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU cho biết: “Thật không bình thường khi châu Âu không thể tự sản xuất một gram Paracetamol nào và 80% việc sản xuất các loại thuốc kháng sinh trên thế giới đều tập trung ở Trung Quốc”. Châu Âu là khách hàng nhập khẩu thành phần hoạt chất (API) thuốc giảm đau Paracetamol lớn nhất của Ấn Độ với số lượng lên tới khoảng 12.000 tấn mỗi năm. Nhưng oái oăm thay, mặc dù Ấn Độ cũng là nhà sản xuất dược phẩm, song nền sản xuất lại phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế.

Đại dịch Covid-19 cho thấy EU cần hiện đại hóa cách đảm bảo quyền tiếp cận thuốc cho người dân của mình. Mặc dù khối liên minh gồm 27 quốc gia này thường xuyên trong tình trạng thiếu thuốc nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra càng làm vấn đề trở nên trầm trọng do các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khi mà các nước cung cấp thuốc tạm thời hạn chế xuất khẩu một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và vaccine (vốn là những loại thuốc thiết yếu mà EU thường thiếu). Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi khối này không đủ năng lực phòng thí nghiệm để sản xuất lượng lớn vaccine cần nếu dịch Covid-19 sang giai đoạn mới.

Hãng tin Reuters dẫn tài liệu của EC chỉ ra sự thiếu hụt và cơ hội tiếp cận bất bình đẳng đối với thuốc là các vấn đề chính cần phải giải quyết. Theo đó, cuộc cải cách, với các chi tiết tiếp tục được đưa ra từ nay đến cuối năm, sẽ xem xét các ưu đãi và yêu cầu đối với các công ty dược phẩm khi đưa thuốc mới ra thị trường nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung. Trong số các thay đổi có thể được áp dụng nhanh, thông tin về thuốc có thể được tăng cường cung cấp trực tuyến hoặc bằng đa ngôn ngữ để hỗ trợ giải quyết các tắc nghẽn trong phân phối. EU cũng cố gắng kiềm chế sự khác biệt về giá thuốc ở cấp quốc gia trong khối.

EU đã nhận thấy các kho dự trữ vật tư y tế chiến lược quan trọng không kém các kho dự trữ dầu mỏ hiện nay. Động thái trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu hối thúc chính phủ các nước dự trữ những loại thuốc quan trọng để đề phòng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đợt hai, trong bối cảnh kho dự trữ đã cạn kiệt trong những tháng qua. Theo giới quan sát, vấn đề không khó thay đổi, miễn các nước có đủ ý chí chính trị để tác động tới các doanh nghiệp lớn đang chờ được chính phủ bật đèn xanh.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-chu-nganh-duoc-665624.html