Tự chủ là tăng thêm trách nhiệm giải trình

GD&TĐ - Trở thành trường đại học thứ 15 được Thủ tướng Chính phủ cho phép tự chủ về tài chính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai xây dựng Hội đồng trường theo đúng những tiêu chí, mục đích là một Hội đồng có thực quyền, làm việc theo chế độ tập trung dân chủ, chuyển đổi từ chế độ một thủ trưởng hiện nay sang chế độ tập thể lãnh đạo.

Hội đồng trường là cấp có thực quyền đưa ra những quyết định đường hướng phát triển, Hiệu trưởng nhà trường là người thi hành các quyết định của Hội đồng trường.

Hội đồng trường đồng thời cũng gánh vác và chia sẻ với Hiệu trưởng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các hoạt động của trường.

Tự chủ toàn diện

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 6/10.

Theo đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thí điểm thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, chính sách học bổng, học phí… theo hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế và hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường. Cách thức tự chủ đại học mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được giao thí điểm thực hiện sẽ là mô hình tự chủ toàn diện.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được chủ động hoàn toàn trong việc quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo ở các trình độ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án của trường phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ GD&ĐT và yêu cầu của xã hội; quyết định chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Trường cũng được chủ động trong liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước trên cơ sở các chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng trên cơ sở công khai thông tin và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học.

Trường được khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

Cũng như vậy, việc thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí sẽ được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Gắn với trách nhiệm giải trình

Trở thành trường đại học công lập thứ 15 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ tài chính, nhưng lại là trường đầu tiên được cho phép thực hiện thí điểm tự chủ kéo dài đến năm học 2018 - 2019. Đây là điều mà PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hết sức tâm đắc.

“Tự chủ là xu hướng tất yếu của các trường đại học, nhưng tự chủ đến đâu, tự chủ một phần hay toàn diện thì cần có lộ trình phù hợp và đặc biệt là phải gắn với trách nhiệm giải trình. Khi quyền tự chủ được giao càng lớn thì trách nhiệm giải trình của nhà trường càng cao và vai trò giám sát của Nhà nước, của xã hội và người học là rất quan trọng” – PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Lý giải về việc trao quyền tự chủ sẽ giúp trường lớn mạnh hơn, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết: Thực tế từ năm 2011, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt đề án thí điểm tự chủ tại trường với một số quyền tự chủ được mở rộng hơn so với chính hoạt động của nhà trường trước đó và so với các trường đại học công lập khác.

Trong các quyền tự chủ đó, đã có quyền tự chủ mở ngành, từ năm 2011 trường đã tự chủ xây dựng chương trình đào tạo không bó cứng trong chương trình khung của Bộ như quy định.

Thực tế cho thấy đây là việc làm đúng, đem lại hiệu quả thiết thực, sau này Bộ GD&ĐT cũng đã bỏ chương trình khung cho tất cả các trường.

Được biết, thực hiện tự chủ, đến thời điểm này Trường Đại học Bách khoa đã xây dựng 33 ngành đào tạo đại học. “Quan điểm của trường là sẽ không lấy việc được mở rộng quyền tự chủ mà trường sẽ mở ngành ào ạt.

Trước mắt trường sẽ chưa mở thêm ngành mới nào mà chú trọng nhiều hơn vào các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Còn trong tương lai, việc mở ngành mới của trường sẽ vẫn dựa trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu nhu cầu lao động từ thị trường, chứ không đơn thuần chạy theo xu hướng người học cốt tăng chỉ tiêu, tăng nguồn thu được” - PGS.TS Hoàng Minh Sơn khẳng định

Để việc điều hành hoạt động của trường hiệu quả tốt nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng hội đồng trường thành cấp có thực quyền, chuyển đổi từ chế độ một thủ trưởng hiện nay sang chế độ tập thể lãnh đạo. Hội đồng trường là cấp thực quyền, Hiệu trưởng sẽ chỉ là người thực thi các nghị quyết của Hội đồng.

Việc tăng quyền cho Hội đồng trường cũng đồng nghĩa là Hội đồng trường cũng sẽ chia sẻ trách nhiệm với Hiệu trưởng và để có một Hội đồng trường đảm bảo hoạt động hiệu quả, ngoài các thành viên trong trường, Hội đồng trường có năm thành viên ngoài trường là đại diện Bộ GD&ĐT (cơ quan chủ quản) còn có các tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các tập đoàn lớn như VNPT, Tập đoàn Dầu khí... đều là những cựu sinh viên và có những quyền lợi gắn bó với trường. PGS.TS Hoàng Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-la-tang-them-trach-nhiem-giai-trinh-2505508-l.html