Tự chủ để phát triển

Trong một báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP HCM kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh - thành trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.

Cùng thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu 3 trường ĐH gồm Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bộ để báo cáo Chính phủ phê duyệt. Đây là bước tiến nhằm tách khỏi cơ quan chủ quản, đẩy mạnh hơn nữa tự chủ ĐH.

Hai lĩnh vực, hai môi trường hoạt động song cùng mục đích cần cơ chế tự chủ với các tính chất ưu việt, tiến bộ hơn sẽ tạo đòn bẩy, sức bật, tạo động lực cho phát triển. Theo các chuyên gia về quản lý đô thị, nếu TP HCM được giao quyền tự quyết khi thực hiện các dự án metro thì sẽ đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 và tạo tiền đề cho các tuyến tiếp theo. Khi dự án metro nằm trên địa bàn TP và TP có đủ nhân lực, tài lực để thực hiện thì không nhất thiết phải giao cho các bộ - ngành ở trung ương. Bởi chỉ cần một bộ - ngành tắc là "cỗ máy" sẽ ngừng hoạt động và tuyến metro số 1 đang bị tắc hiện nay bởi lý do đó.

Về tự chủ ĐH, hiện nay đã có 23 trường thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Hầu hết các trường đã có sự phát triển, chuyển biến tích cực, bảo đảm chất lượng, tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao... Nay 3 trường trong đó tiến đến tự chủ cấp độ cao hơn.

Thực ra, vấn đề tự chủ và cơ chế mới, thoát khỏi sự nặng nề trong quản lý đã đặt ra từ lâu trong yêu cầu phát triển, đã thực hiện ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, tách khỏi cơ chế bộ - địa phương quản lý hành chính doanh nghiệp (DN), can thiệp sâu vào nhân sự, cơ chế hoạt động của DN. Cải tổ bằng cách bớt dần cơ chế chủ quản, rút bớt vốn nhà nước khỏi DN, tiến hành cổ phần hóa DN nhà nước. Trên lĩnh vực hành chính sự nghiệp, là cơ chế khoán biên chế, khoán quỹ lương để cơ quan, đơn vị tự thu xếp, cân đối hoạt động…

Khi những cơ chế quản lý theo thời gian và hoàn cảnh đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp, những quy định trở thành sự trói buộc, rào cản, làm trì trệ thêm thì phải mạnh dạn thay đổi. Cải tổ để làm cho bộ máy hoạt động tốt hơn là việc cần làm, thể hiện sự đổi mới trong tư duy và hành động. Gỡ bỏ những sợi dây ràng buộc sẽ giúp vượt thoát bằng cơ chế mở, phát huy tiềm lực, lợi thế sẵn có, kịp nắm bắt những cơ hội quý giá, tạo đòn bẩy cho sự phát triển về chất và lượng.

Một chiếc áo sẽ quá chật đối với sức trẻ đang lớn nhanh, tráng kiện, phải thay bằng chiếc áo mới thoáng rộng. Trong yêu cầu tự chủ, đòi hỏi các bên phải gạt bỏ những lợi ích cục bộ, cùng hướng về mục tiêu cao cả hơn, đặt yêu cầu phát triển của đất nước lên cao nhất để xử lý các mối quan hệ. Từ đó tạo cơ chế phát triển nhanh, có nhân lực, vật lực dồi dào, tận dụng lợi thế chất xám, kỹ thuật để vượt lên, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu đang rình rập mỗi ngày.

THANH BÌNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tu-chu-de-phat-trien-20180616230428508.htm