Tự chủ đại học: vừa đạp ga, vừa rà thắng

Theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, các trường được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trong các lĩnh vực như đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính.

Ảnh: Thành Hoa

Cả thực tiễn và lý thuyết đều cho thấy, phải đồng bộ cả ba trụ cột này thì trường đại học mới hoàn toàn tự chủ trong hoạt động được. Tuy vậy, dường như chỉ có tự chủ tài chính là vấn đề trọng tâm với nhiều trường, và ngay cả với cơ quan quản lý nhà nước.

Ba tốc độ tự chủ khác nhau

Vấn đề tự chủ bộ máy và nhân sự có lẽ là chậm nhất và là rào cản chung cho cả tiến trình tự chủ của các trường đại học.

Trong ba nội dung cốt lõi của tự chủ, tài chính là nội dung được quan tâm và thực hiện rốt ráo nhất. Một số trường đã thực hiện được việc tự chủ hoàn toàn về tài chính, tuy nhiên nguồn thu chính vẫn là học phí, chưa có sự đa dạng từ các nguồn thu khác như doanh nghiệp, xã hội.

Trong bối cảnh các trường chưa tự chủ đều có lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86/NĐ-CP năm 2015 với mức trung bình 10%/năm, các trường tự chủ với quy định riêng của mình, khó mà có mức tăng thấp hơn.

Về tự chủ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đã chủ động được rất nhiều trong việc thiết kế chương trình, giảng dạy, liên kết trong nước và quốc tế. Có điều, vẫn còn một số môn học bắt buộc chung cho tất cả các ngành đào tạo, đi ngược với tinh thần tự chủ về đào tạo. Điều này có liên đới đến vấn đề tài chính, vì có những trường học phí tính theo tín chỉ và sinh viên thì lại không có quyền lựa chọn môn học.

Vấn đề tự chủ bộ máy và nhân sự có lẽ là chậm nhất và là rào cản chung cho cả tiến trình tự chủ của các trường đại học. Cơ chế bộ chủ quản hiện nay ở một số trường đại học tạo ra hệ thống quản lý song hành, sự chồng chéo làm hạn chế tính linh hoạt của đơn vị đào tạo. Ngoài ra, việc lựa chọn người đứng đầu đơn vị chưa hoàn toàn xuất phát từ lựa chọn của của tập thể đơn vị, mà phải thông qua ý kiến của cơ quan cấp trên, cũng như chỉ đạo của hệ thống chính trị.

Tự chủ nhanh, mạnh, nhưng phải đều

Mong muốn có một hệ thống đào tạo đại học chất lượng, tiên tiến, theo chuẩn quốc tế là mong muốn chung của toàn xã hội. Muốn vậy, cả ba trụ cột của tự chủ đại học phải được thực hiện đồng bộ, với tốc độ tương xứng với nhau.

Rào cản của tự chủ về bộ máy và nhân sự chỉ được tháo gỡ khi các bộ chủ quản và ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách nhìn về quản lý, chỉ giám sát các trường về chuyên môn và điều kiện hoạt động. Cụ thể hơn là xóa bỏ tư duy cấp trên và cơ chế xin - cho. Muốn vậy, cần giải quyết bài toán sắp xếp lại lợi ích giữa các đơn vị này với các trường, trong tổng thể lợi ích của cả xã hội.

Hai mảng tự chủ còn lại, dù có nhiều điều kiện hơn để thực hiện, nhưng cũng còn không ít trở ngại phải vượt qua. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phải luôn cập nhật, đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cũng như cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác trong nước và quốc tế. Để làm được việc này, các trường không chỉ cần nguồn lực con người, tài chính, mà phải có cả tầm nhìn xa, phương thức quản lý hiện đại phù hợp.

Áp lực tự chủ tài chính cũng sẽ giảm bớt khi nguồn thu của các trường được đa dạng hơn và ngân sách cho các trường ở một số hoạt động phải được duy trì. Thực tế hiện nay, số trường đại học ở Việt Nam là quá nhiều so với nhu cầu, tính trung bình mỗi tỉnh thành có tới bốn trường đại học. Nếu quy hoạch lại, giảm bớt số lượng trường đại học theo vùng thì ngân sách sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Việc định hướng, dự báo nhu cầu nghề nghiệp cũng cần thực hiện tốt hơn để học sinh sau phổ thông không chỉ có lựa chọn chính là vào đại học, vì hệ lụy không chỉ tạo áp lực cho hệ thống đào tạo mà còn lãng phí nguồn lực của xã hội.

Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279604/tu-chu-dai-hoc-vua-dap-ga-vua-ra-thang.html