Tự chủ đại học: Từ chính sách đến thực tiễn

Hội thảo giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam 2020 'Tự chủ GDĐH - từ chính sách đến thực tiễn' do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức - vừa diễn ra ngày 27/11/2020 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, tự chủ ĐH không còn mới ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quan niệm chưa đúng bản chất (vẫn thường được hiểu gắn với tự bảo đảm kinh phí). Cần hành động ngay để thay đổi nhận thức chứ thể không chờ thay đổi nhận thức rồi mới hành động bởi đổi mới nhận thức là một quá trình.

Hiểu đúng bản chất

Trao đổi về bản chất của tự chủ ĐH, Thứ trưởng Sơn chia sẻ, đó là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường ĐH về những hoạt động của mình. Ngoài ra, trường ĐH có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.

Mục tiêu của tự chủ ĐH là tối ưu hóa hoạt động của toàn hệ thống. Theo đó, các trường ĐH năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn; cơ quan quản lý tập trung làm tốt hơn chức năng giám sát và hỗ trợ; cùng với đó là nâng cao chất lượng, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội.

Từ góc độ của mình, ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp cho rằng hiện nay nhận thức về tự chủ ĐH của chính các trường chưa được đầy đủ. Cụ thể, tự chủ chỉ thực sự khi hội đồng trường có thực quyền, khi đó và khi đó mới bàn tới việc xóa bỏ cơ chế chủ quản.

“Mấu chốt để nâng quyền lực thực chất của hội đồng trường là Nhà nước nên rút vai trò của mình, chỉ quy định mức học phí tối thiểu, không quy dịnh mức học phí tối đa để hướng chất lượng ra thế giới, để xã hội tự điều chỉnh”, ông Viên nêu quan điểm.

Hiện cả nước có 86/175 cơ sở GDĐH công lập đã thành lập, kiện toàn hội đồng trường; trong đó có 32/35 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT.

TS Lâm Quang Thiệp- Trường ĐH Thăng Long cũng chỉ ra những bất cập trong nhận thức về chính sách giữa cấp đề xuất và cấp áp dụng chính sách, giữa các cấp thực thi chính sách trong thực tiễn. Đơn cử, ông Thiệp dẫn ra liên quan đến Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, ở Điều 7 vẫn quy định cơ quan chủ quản có nhiều quyền quyết định bên trên hội đồng trường chứ không phải chỉ cử đại diện tham gia hội đồng này.

Trong khi đó, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (năm 2017) nêu rõ cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường ĐH theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường ĐH”.

Đại diện Trường ĐH Thăng Long cũng cho rằng, khoảng cách trong nhận thức được nói ở đây không chỉ phụ thuộc vào trình độ nhận thức, mà đôi khi còn liên quan đến lợi ích nhóm, và ông chia sẻ với nhận định của TS Trần Đình Thiên rằng, lợi ích của nhóm đang giữ quyền trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ ĐH.

Đề xuất tăng mức hỗ trợ GDĐH

Ghi nhận những thành tích đột phá của GDĐH Việt Nam trong những năm qua, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình phát triển con người của Ngân hàng Thế giới (World Bank- WB) cũng chỉ ra những mặt hạn chế. Đó là việc quản trị ĐH của Việt Nam còn tổ chức khá manh mún và rời rạc. Riêng về quản trị tài chính, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, GDP chi cho GDĐH rất thấp, chỉ khoảng 0,33% GDP, dù tỷ lệ chi cho giáo dục chung là khá cao, tới 20%. Mức đầu tư này rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ngân sách cho GDĐH chủ yếu vẫn từ học phí, tức là nguồn thu của GDĐH vẫn từ người học, đó là tính bất cập lớn của GDĐH Việt Nam. Điều này khiến cơ hội cho sinh viên bị ít đi. Mặt khác, đầu tư công cho GDĐH vẫn theo cơ chế từ trước đến nay, do đó không thúc đẩy được sự phát triển, nghiên cứu khoa học.

Ông Christophe Lemiere đề xuất Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho giáo dục từ 0,33% lên 0,80% trước năm 2030. Hướng tới đa dạng thể chế, chuyển dịch từ trường ĐH công lập đầu tư tốn kém sang các trường dân lập, cao đẳng có chí phí đầu tư hiệu quả hơn.

Đồng thời, tăng mức đầu tư, nâng cao năng lực cho hoạch định chính sách; thiết kế chương trình; giám sát và đánh giá. Thường xuyên cập nhật các chính sách về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của GDĐH với nguồn tài trợ của Nhà nước.

Chú trọng việc trao quyền cho các hội đồng trường để bổ nhiệm lãnh đạo và phê duyệt các chiến lược/ngân sách; khuyến khích GDĐH đổi mới, cải cách hành chính, bao gồm: quản lý nhân sự/giảng viên, hợp tác quốc tế về nghiên cứu & phát triển.

Chia sẻ quan điểm này, báo cáo của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của GDĐH nước ta hiện nay là tài chính thiếu bền vững, học phí chiếm tỷ trọng lớn (phần lớn trên 80%); thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp; nguồn thu từ ngân sách giảm mạnh...

Từ thực tế hiện nay, Bộ GDĐT kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ ĐH. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ về quy định cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho GDĐH.

Giáo dục không thể duy ý chí

GS Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Thăng Long đề xuất cần hỗ trợ ngân sách cho các trường ĐH công lớn. Cần phải làm như các nước phát triển, nghĩa là học phí chỉ chiếm một phần trong ngân sách nhà trường, còn lại là phần của Nhà nước. Như vậy mới có sự phát triển thực sự được. Muốn có mặt trong xếp hạng thế giới thì phải làm như người ta, không thể duy ý chí được.

Đối với các trường ĐH ngoài công lập, GS Sính cho rằng nếu không bỏ tiền thì phải bỏ tâm. Chẳng hạn, khi cho trường ĐH ngoài công lập ra đời thì cho nó một chỗ nương thân mà nó có thể sống được nghĩa là có sinh viên đến học, không nên cho một miếng đất chẳng hạn ở chân núi Tam Đảo, nên thơ thật đấy, nhưng chẳng ai dám đến học.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-chu-dai-hoc-tu-chinh-sach-den-thuc-tien-525163.html