Tự chủ đại học: Những rào cản cần tháo gỡ

Xây dựng cơ chế cho phép cơ sở đào tạo được tự chủ quyết định mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là một trong những giải pháp giúp các trường đại học tự chủ, giảm chi cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Tự chủ tài chính cũng đặt ra nhiều vấn đề cho trường, trong đó quan trọng nhất là nguồn thu.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mô hình quản trị doanh nghiệp” diễn ra ngày 24/8 tại tỉnh Thanh Hóa.

Cơ chế tự chủ còn nhiều bất cập

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thực tiễn cho thấy, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đại học vẫn còn nhiều bất cập, không chỉ tiến độ thực hiện chậm, mà các cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật…

Chia sẻ từ thực tế hoạt động của trường, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Trường Đại học Tài chính quản trị kinh doanh cho rằng, tự chủ tài chính trong các trường đại học đã tạo áp lực lớn buộc các trường phải đổi mới hoạt động, nâng cao trách nhiệm và quản lý tài chính.

Tuy nhiên, tự chủ tài chính cũng đặt ra nhiều vấn đề cho trường, trong đó quan trọng nhất là nguồn thu. Hiện nguồn tài chính của các trường đại học bao gồm kinh phí NSNN cấp, thu từ hoạt động sự nghiệp như phí, lệ phí, dịch vụ; nguồn khác như vay, liên doanh, liên kết. Theo lộ trình, kinh phí NSNN cấp cho các trường sẽ giảm, nhưng lại yêu cầu tăng mức độ tự chủ đã gây khó khăn cho các trường.

Ông Nghĩa dẫn chứng, chính sách học phí và quy định chỉ tiêu tuyển sinh đang là rào cản đối với các trường đại học trong thực hiện tự chủ. Mức thu học phí của các trường đều nằm trong khung do Chính phủ quy định; chỉ tiêu tuyển sinh lại bị giới hạn bởi cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên. Hai yếu tố chính là học phí và chỉ tiêu tuyển sinh tạo ra nguồn thu chính cho trường nhưng lại bị giới hạn, tức là giới hạn mức độ tự chủ của các trường.

Bên cạnh đó, tại nhiều trường, nguồn thu sự nghiệp dành phần lớn để chi lương, và khoản có tính chất lương, nên phần dành cho đầu tư cơ sở vật chất rất khiêm tốn. Quy định tiền lương, công trả cho người lao động tính theo cấp bậc, chức vụ cũng làm giảm sức hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao vào trường. Mục đích giao quyền tự chủ cho các trường đại học là nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu cho người lao động, tuy nhiên do tốc độ tăng thu sự nghiệp không tương xứng với tốc độ chi lương, giá dịch vụ đầu vào, trong khi NSNN cấp chi thường xuyên giảm nên chênh lệch thu chi cuối kỳ của các trường giảm.

Những vấn đề mà đại diện Trường Đại học Tài chính quản trị kinh doanh đưa ra cũng là bất cập chung của các trường hiện nay trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, tài chính. Theo bà Nguyễn Thị Mai Liên, Phó trưởng phòng đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính, định hướng của việc đổi mới là nhằm đẩy mạnh tự chủ, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản lại chưa muốn buông quyền quản lý.

“Vì vậy, sau 10 năm đưa ra chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở giáo dục đại học nào bỏ cơ quan chủ quản. Chưa kể, tâm lý của một số trường vẫn muốn thực hiện bao cấp dù đã đủ điều kiện đổi mới”, theo bà Liên

Cần cơ chế, hành lang giám sát

Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã nới nút thắt cho các trường có nguồn thu lớn (với nhóm trường đáp ứng được chi thường xuyên và đầu tư phát triển), có quyền tự quyết thu, chi tài chính tiệm cận gần với mô hình hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với các trường thuộc nhóm NSNN cấp để đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư, thì cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt là cơ chế chi không có sự khác biệt nhiều. Do vậy, ông Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị, cần phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, chi phí khoa học và thực tiễn để xác định giá dịch vụ đào tạo. Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là giao quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học không có nghĩa là cắt giảm NSNN mà ngược lại phải tăng các nguồn vốn trong đó có NSNN cho đào tạo đại học.

Ngoài ra, cũng cần phải có quy định rõ về trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Bộ chủ quản hay bộ chuyên ngành thay vì can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các trường thì cần ban hành một cơ chế hành lang pháp lý và giám sát, trong đó đặc biệt phải có quy định pháp lý xác định rõ trách nhiệm giải trình và tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Ông Phạm Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, thời gian tới, cần thiết phải đổi mới cơ cấu đầu tư từ NSNN đối với giáo dục đại học theo hướng giảm dần chi cho bộ máy và hoạt động thường xuyên, tập trung đầu tư cơ sở vật chất. Thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên diện chính sách và sinh viên đặt hàng đào tạo ở một số ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Song song với đó, cũng cần đổi mới phương pháp phân bổ ngân sách theo hướng giao kinh phí gắn với nhiệm vụ và sản phẩm cuối cùng và xây dựng cơ chế cho phép cơ sở đào tạo được tự chủ quyết định mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tu-chu-dai-hoc-nhung-rao-can-can-thao-go.aspx