Tự chủ đại học nhìn từ chuyện trường Tôn Đức Thắng

Một trường đại học, ngoài Luật Giáo dục đại học còn chịu sự chi phối của hàng loạt luật khác nữa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnhđiều này khi trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về tự chủ đại học, ngày 27/11.

Từ bài học Trường Tôn Đức Thắng thì các trường đại học cần làm thế nào để tự chủ đại học đi đúng hướng và đạt hiệu quả như mong đợi, thưa Thứ trưởng?

Theo tôi có hai điểm, thứ nhất là phải quan niệm đúng về tự chủ đại học, đó là các trường được chủ động quyết định căn cứ theo quy định của pháp luật mà không phải thực hiện cơ chế xin - cho, nhưng không phải tự do mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Một trường đại học chịu sự chi phối của nhiều luật, đầu tư công, đấu thầu, ngân sách và nhiều luật khác nữa, cái này là điểm rất quan trọng.

Bên cạnh đó thì các trường cần thực hiện dân chủ, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, không chỉ với xã hội mà với nội bộ, cán bộ sinh viên, người học và cơ quan quản lý nhà nước, đấy là cơ chế để thực hiện trách nhiệm giải trình. Đương nhiên như thế cần xây dựng tốt thiết chế hội đồng trường.

Trường Tôn Đức Thắng cũng có hội đồng trường rất lâu rồi nhưng gần đây có xảy ra một số chuyện, xuất phát từ hai điểm chúng tôi vừa nêu. Nếu thực hiện công khai, dân chủ, nhìn nhận về tự chủ đại học đúng đắn hơn, đúng quy định của pháp luật thì sẽ đảm bảo hoạt động của hệ thống.

Các trường ngoài công lập thì ngoài là một trường đại học còn là đơn vị sự nghiệp công lập nữa nên có những chi phối của nhiều luật khác cần hết sức lưu tâm.

Vậy có sự lúng túng trong vận dụng các luật đó không, khi mà việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của Trường Tôn Đức Thắng (Thứ trưởng cắt lời-PV)?

Hôm nay chúng ta nói về tự chủ đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dụcc đại học, nên vấn đề đó nên hỏi bộ chức năng, bộ liên quan thì tốt hơn.

Nhưng với 1 trường đại học thì quy chế quản lý cao nhất là Luật Giáo dục đại học, giống như các đại biểu Quốc hội đã phân tích trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 vừa qua? ý kiến của ông thế nào?

Chúng ta thấy một đại học công lập ngoài Luật Giáo dục đại học còn chịu sự chi phối của hàng loạt luật khác nữa, vì tất cả chúng ta đều hoạt động theo pháp luật chứ không chỉ Luật Giáo dục đại học, đó là các Luật Viên chức, đầu tư công, đấu thầu, ngân sách, quản lý tài sản công. Cao nhất là Hiến pháp, các luật có sự quan hệ lẫn nhau chứ không chỉ có Luật Giáo dục đại học.

Chưa bàn đến quản lý tài sản trong trường Tôn Đức Thắng, riêng chuyện của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh thì các đại biểu nêu cách chức ông này cần phải tuân theo Luật lớn nhất là Luật Giáo dục đại học, quan điểm của ông thế nào?

Luật Giáo dục đại học quy định về việc bầu, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chứ không quy định cách chức, hình thức kỷ luật của một viên chức. Lưu ý phạm vi là thế. Không nên đi sâu vào trường Tôn Đức Thắng buổi hôm nay, nên hỏi cơ quan chuyên môn, một bộ không nắm hết được.

Nhiều tham luận tại hội thảo hôm nay phân tích có biểu hiện lợi ích nhóm cản trở tự chủ của các trường đại học (Thứ trưởng lại một lần nữa ngắt lời):

Tôi chưa có số liệu, chưa có minh chứng thì không trả lời được. Câu hỏi chưa có căn cứ chặt chẽ thì không trả lời được, cái đó chưa khẳng định được. Chưa có cơ sở hay số liệu nào khẳng định điều đó. Tham luận ở đâu thì cứ trích dẫn ở đó, có thể ở một trường. Để tránh rơi vào bẫy, phải hỏi xem họ căn cứ vào đâu. Hỏi họ rồi mới phản biện chứ không nên phản biện ngay mà chưa có căn cứ.

Vậy làm thể nào để hội đồng trường không hình thức, thưa ông?

Cần thay đổi nhận thức, phải hiểu kỹ quy định của pháp luật, làm đi hành động đi rồi thay đổi nhận thức. Một trường mà chưa có hội đồng trường bao giờ thì nhìn nhận không quan trọng nhưng đã thực hiện rồi thì hết sức quan trọng, phải làm, từ trước chưa có hội đồng trường nhưng nay tự chủ thì phải có, phải làm mới thấy quan trọng.

M.Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-chu-dai-hoc-nhin-tu-chuyen-truong-ton-duc-thang-525089.html