Tự chủ Đại học: Nếu lỏng giám sát, sẽ có thêm các trường giống ĐH Đông Đô?

Câu chuyện về tự chủ ĐH những ngày qua lại tiếp tục 'nóng' lên khi những sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 tại trường ĐH Đông Đô vừa bị phanh phui. Với tự chủ, các trường được tự xác định chỉ tiêu, được tự chủ đào tạo, nhưng điều đó đồng nghĩa với trách nhiệm giải trình, giám sát phải tăng cao. Nếu một lúc nào đó buông lỏng, chuyện đào tạo sai phạm sẽ khó tránh được.

Trách nhiệm giám sát phải tích cực hơn

Luật GDĐH sửa đổi (ban hành năm 2018 và có hiệu lực từ tháng 7-2019) có nhiều điểm mới, đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH nhằm “giải phóng” giáo dục ĐH với hy vọng có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Trong đó, Điều 32 khoản 3 Luật GDĐH 2018 quy định các trường ĐH có “quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế”.

Trở lại trường hợp của ĐH Đông Đô, theo kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, quá trình hoạt động, trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ BGDĐT ngày 26-6-2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai. Nhưng từ năm 2015, trường đã được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định, không buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho sai phạm của trường ĐH Đông Đô. Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2017 trở về trước, việc rà soát và thông báo tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của trường được thực hiện trước khi trường công bố đề án tuyển sinh và độc lập với thủ tục mở ngành, chương trình đào tạo mới.

Bộ GD&ĐT, sau khi CQĐT có kết luận chính thức, bộ sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm. Nhưng ngay từ khi sai phạm ở trường ĐH Đông Đô được phát hiện và xử lý, Bộ đã và đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về quản lý Nhà nước để theo kịp với thực tiễn.

Việc này vừa đảm bảo quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan quản lý và của toàn xã hội. Việc cải tiến quy trình, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đang được thực hiện.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, với việc tự chủ về tuyển sinh và đào tạo này, đang có quy trình ngược. Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường theo khối ngành, hình thức đào tạo, đảm bảo các tiêu chí về đội ngũ, diện tích. Việc rà soát và thông báo này không chi tiết đến từng ngành đào tạo. Nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới, quyết định mở chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể.

Vì thế, ở chừng mực nào đó, nếu giám sát chưa thật sâu sát, sẽ không tránh khỏi sự bất cập. Dễ nhận thấy là tuyển sinh chính quy được giám sát chặt chẽ hơn, còn tuyển sinh văn bằng 2, tại chức, liên kết hoặc đào tạo sau ĐH thì mỗi trường mỗi… kiểu.

Tự chủ ĐH phải đi kèm với giải trình và giám sát. Ảnh: ĐHDT

Không thể không có quản lý

Trước đó, trả lời trong kỳ họp Quốc hội về vấn đề tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Đối với tự chủ ĐH có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm cũng có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành. Trong đó, ĐH đã tự chủ luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH phải được thực hiện theo pháp luật, theo những quy chế công khai cho toàn xã hội giám sát rất chi tiết. Và tự chủ ĐH không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục.

GS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường ĐH và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường ĐH; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường ĐH không chỉ là nhiệm vụ của Hội đồng trường mà còn là trách nhiệm của đại diện cho chủ sở hữu trong hoạt động đầu tư vào các cơ sở GDĐH, tức là của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tự chủ ĐH là một vấn đề còn mới ở Việt Nam. Trong giai đoạn đầu triển khai, bên cạnh việc đảm bảo đồng bộ hóa hệ thống luật pháp và các quy định liên quan, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức đại diện chủ sở hữu của các cơ sở GDĐH phải thực hiện tốt chức năng của mình. Là đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Hội đồng trường cần nâng cao năng lực quản trị và thực hiện tốt trách nhiệm giải trình.

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định: “Nếu chỉ trông chờ vào trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH mà thiếu trách nhiệm giám sát, thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý thì khó đem lại kết quả như kỳ vọng”. Và tự chủ cũng không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà vẫn quản lý bằng pháp luật.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-chu-dai-hoc-neu-long-giam-sat-se-co-them-cac-truong-giong-dh-dong-do-219660.html