Tự chủ đại học: Không trường nào bị bỏ rơi

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học tăng cường vai trò tự chủ của các trường đại học và không trường nào bị bỏ rơi, kể cả trường công cũng như trường tư. Theo đó, các trường ngoài công lập nếu đủ điều kiện vẫn được Nhà nước đặt hàng và đầu tư kinh phí như các trường công lập.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh

Nguyên lý tiến tới thí điểm tinh thần tự chủ này xuất phát từ một mô hình quản trị ĐH trên thế giới, coi trường đại không như doanh nghiệp mà sở hữu của trường là của cả cộng đồng xã hội.

PGS. TS Hoàng Văn Cường

Là một trong những trường được thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, PGS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Kết quả tự chủ toàn diện đã nhận được thành công nhất định.

Chính nhờ thành công đó, mà vừa qua Chính phủ đã lấy những ưu việt cũng như quy định cần thiết để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này.

Theo đó, dự thảo tập trung vào tăng cường vai trò để các trường có thể tự chủ. Trên thực tế, việc thử nghiệm thành công ở 23 trường có đóng góp rất lớn cho chính sách.

Khi những nội dung về tự chủ toàn diện kể cả về mặt đào tạo, tổ chức, tài chính được luật hóa để triển khai rộng rãi đến tất cả các trường đại học, Trường đại học Kinh tế quốc dân lại tiếp tục nằm trong các trường được thí điểm tự chủ cao hơn, tiến tới mức không cần đến vai trò quản lý của các cơ quan chủ quản nữa.

PGS.TS Đặng Quang Việt cho biết, khi tiến hành soạn thảo dự thảo luật, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, từ Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cho đến Cần Thơ. Tất cả các hội thảo đều nhận được phản hồi rất tốt từ các trường.

Theo đó, các trường đều có tiếng nói sẵn sàng tiếp nhận tinh thần của dự thảo Luật và không thấy trường nào phản đối nội dung tự chủ được đề xuất trong trong Luật. Đó là điều hết sức đáng mừng.

Theo PGS.TS Đặng Quang Việt, hầu hết các trường đại học hiện nay đều trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị đón nhận cơ chế, chính sách trong dự thảo luật và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua trong Kỳ họp này.

Khi đó sẽ giải quyết các "nút thắt" để các trường có thể tự chủ tốt hơn. Đó là một trong những chính sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Phạm Tất Thắng (ngoài cùng bên trái) và PGS. TS Hoàng Văn Cường (giữa) tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm

Tự chủ không đúng sẽ bị “thổi còi”

Về sau sẽ có cơ chế đặt hàng để các trường phải cạnh tranh nhau, kể cả trường công lập và ngoài công lập đều thực hiện cơ chế đó. Theo đó, các trường ngoài công lập nếu đủ điều kiện vẫn được Nhà nước đặt hàng và đầu tư kinh phí như các trường công lập.

PGS. TS Đặng Quang Việt

Trước những lo lắng của các trường vì sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước; PGS. TS Đặng Quang Việt giải thích, tự chủ - nghĩa là các trường phải tự xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, để Nhà nước đủ tin tưởng “đặt hàng” đào tạo.

Trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học không có nội dung nào bỏ rơi các trường công lập tự chủ. Chỉ là cách thức sẽ phân bổ ngân sách.

PGS.TS Đặng Quang Việt cho rằng, tới đây khi Luật được thông qua, các trường sẽ phải vượt qua 3 thách thức lớn để có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, kể cả công lập và ngoài công lập:

Thứ nhất, phải đổi mới năng lực quản trị của nhà trường để làm sao tận dụng hiệu quả nhất các nguồn lực nhằm vận hành hiệu quả.

Thứ hai, giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước các cơ quan quản lý, trước người học.

Thứ ba, phải tự xây dựng thương hiệu. Có thương hiệu thì Nhà nước mới đặt hàng đào tạo, tổ chức nghiên cứu khoa học… và mới thu hút được học sinh giỏi vào trường.

Những tiêu chí, tiêu chuẩn trước khi giao tự chủ được Bộ GD&ĐT kiểm soát và cấp phép mã ngành, cấp phép đào tạo trong và ngoài nước. Đồng thời kiểm tra các tiêu chí, tiêu chuẩn rồi mới cấp phép. Khi giao tự chủ, nghĩa là các trường được tự làm, song nếu không đúng sẽ bị “thổi còi”.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, TS Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tự chủ là đổi mới về cơ chế, phương thức phân bổ ngân sách, chứ không phải tự lo được kinh phí. Vì giáo dục vẫn là lĩnh vực đặc thù, nên việc đầu tư của nhà nước vẫn quan trọng.

“Chẳng hạn như trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường kỹ thuật khác cần phải có những phòng thí nghiệm đầu tư hàng triệu đô, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì không thể đủ để trang trải và đòi có chất lượng cao được. Những vấn đề này cần được nhà nước giao nhiệm vụ.

Hoặc vấn đề đào tạo từ xa, Nhà nước cần thì Nhà nước phải đặt hàng và giao nhiệm vụ. Cơ chế tự chủ gắn với kinh phí, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học phải năng động hơn, cạnh tranh một cách bình đẳng, dựa vào năng lực thực sự của cơ sở đó” - TS Phạm Tất Thắng phân tích.

Các ý kiến được ghi chép, lược thuật từ buổi Tọa đàm "Tự chủ đại học - nhìn từ chính sách, pháp luật" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 16/11.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-dai-hoc-khong-truong-nao-bi-bo-roi-3964544-v.html