Tự chủ đại học: Hết thời chọn trường công cho rẻ

Nhiều học sinh, phụ huynh có xu hướng chọn trường công lập vì chất lượng và học phí thấp. Tuy nhiên, một số trường ĐH công lập hoạt động theo mô hình tự chủ với nhiều đổi mới trong đào tạo, quản lý và mức học phí cao hơn các trường công lập chưa thực hiện theo mô hình này. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ để bảo đảm quyền lợi cho mình.

SV đóng học phí tại một cơ sở GDĐH. Ảnh: IT

SV đóng học phí tại một cơ sở GDĐH. Ảnh: IT

Tự chủ là xu thế tất yếu của ĐH

Năm 2017, kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 23 trường ĐH công lập hoạt động theo mô hình tự chủ về các mặt đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính. Năm 2019, Chính phủ đã cho thí điểm mở rộng quyền tự chủ đối với 3 trường: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội.

23 trường ĐH công lập thực hiện tự chủ hầu hết là các trường lớn, có sức hấp dẫn đối với người học. Sinh viên và phụ huynh chọn trường vì uy tín vốn có, chứ chưa thực sự quan tâm đến cơ chế hoạt động của trường. Các trường ĐH hoạt động theo mô hình tự chủ sẽ được tự do quyết định quy mô tuyển sinh, mức học phí, mở ngành theo nhu cầu xã hội....

Theo Nghị định 86 của Chính phủ, từ năm 2015 đến 2021, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo (kể cả 23 trường ĐH được Thủ tướng cho thí điểm tự chủ) như sau:

Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản từ nay đến năm học 2020 là 18,5 triệu đồng/năm và năm 2021 là 20,05 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch lần lượt là 22 triệu đồng/năm và 24 triệu đồng/năm; khối ngành y dược là 46 triệu đồng/năm và 50,05 triệu đồng/năm. Trong khi đó, đối với các trường công lập chưa tự chủ, mức học phí kịch trần năm 2021 của các khối ngành tương ứng chỉ là 9,8 triệu đồng/năm, 11,7 triệu đồng/năm, 14,3 triệu đồng/năm.

Theo quy định, các trường thí điểm tự chủ và trường công tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên sẽ tăng học phí 2 năm/lần. Các trường công lập chưa theo mô hình tự chủ, học phí điều chỉnh hàng năm, năm sau cao hơn năm trước từ 700.000 - 900.000 đồng/năm.

Ngoài ra, các trường công lập đào tạo chương trình chất lượng cao được trao quyền quyết định mức học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. Do đó, “đặc quyền” tự quyết định mức học phí không còn thuộc về riêng trường tư. Và mức học phí của các chương trình chất lượng cao này không hề “kém cạnh” các chương trình quốc tế ở các trường tư.

Ảnh minh họa/ INT

Tại sao cần quan tâm chính sách học phí?

Tăng học phí là xu hướng và đòi hỏi khó tránh hiện nay. Do đó, các thí sinh cần lưu ý chọn trường có mức học phí phù hợp, ưu việt. Tăng học phí phải đi kèm những chính sách hỗ trợ người học và sự đầu tư tương xứng cho chất lượng đào tạo.

Hiện nay, một số trường ĐH ngoài công lập có chính sách không tăng học phí trong toàn khóa học (4 - 5 năm), như các trường: ĐH Văn Lang, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến… Đặc biệt, Trường ĐH Văn Lang đã duy trì chính sách này trong 15 năm, và ngoài học phí, trường không thu khoản tiền nào khác của SV. Học phí những trường này thuộc nhóm trung bình, từ 16 - 40 triệu/năm.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn học tập, SV có thể tìm hiểu trước những quy định về ngành học miễn học phí (nhóm ngành sư phạm, lý luận chính trị, công an…), quy định về miễn giảm học phí đối với đối tượng chính sách. Ở mỗi trường, ngoài quy định chung, có một số chính sách riêng để hỗ trợ chi phí học cho SV, như: Giảm học phí cho anh chị em ruột học cùng trường (Trường ĐH Văn Lang), học bổng đầu vào có giá trị lớn (Trường ĐH Hoa Sen), học bổng cho SV vượt qua kỳ thi tuyển đạt điểm xuất sắc (Trường ĐH FPT)...

Nhiều trường ĐH công lập tự chủ đều cho rằng khi nguồn kinh phí từ Nhà nước bị cắt giảm mà trường ĐH lại muốn nâng cao chất lượng đào tạo, thọc phí đương nhiên phải tăng. Như vậy, quan niệm vào trường công “cho rẻ” đã không còn đúng nữa. Mức học phí năm học 2019 – 2020 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từ 16 - 32 triệu đồng/năm với chương trình đại trà; Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM từ 42 - 50 triệu đồng/năm... Tuy nhiên, nhiều người cũng tự an ủi “tiền nào của đó”.

Ông Đặng Hữu Khanh – Phó Trưởng phòng Tuyển sinh & Công tác SV (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), cho biết: “Mức học phí dành cho SV hệ đại trà (năm 2019) của trường dao động từ 16 - 17 triệu đồng/năm đối với khối ngành kỹ thuật và giảm 1 triệu đối với khối ngành kinh tế, xã hội. Hệ đào tạo chất lượng cao (học bằng tiếng Việt) của trường khoảng 27 - 28 triệu đồng/năm.

Các ngành đào tạo chất lượng cao do có mức học phí cao, số lượng thí sinh nộp vào ít nên tỷ lệ chọi thấp hơn các ngành đào tạo hệ đại trà. Ngoài ra, để hỗ trợ SV bảo đảm các điều kiện học tập, các trường thường có các chính sách học bổng như: Học bổng từ các đơn vị bên ngoài, học bổng khuyến học của trường… Các SV cần tìm hiểu những chính sách này trước khi nộp hồ sơ vào trường để bảo đảm các quyền lợi của mình”.

Khi nói đến học phí có người sẽ nói là học phí trường này đắt, trường kia rẻ… Tuy nhiên, xu thế phát triển ĐH, học phí chính là phân khúc, là chất lượng. Khi đưa ra mức học phí có nghĩa là chúng tôi phải cam đoan với người học một mức độ chất lượng nhất định, chứ không phải ưa đặt ra mức nào thì đặt. Do đó cần phải hiểu học phí của các trường đó là chất lượng dịch vụ mà người ta cung cấp…
PGS.TS Thái Bá Cần - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-dai-hoc-het-thoi-chon-truong-cong-cho-re-4069357-b.html