Tự chủ Đại học: Đừng lo câu chuyện tự chủ tài chính

Khi nhắc tới tự chủ Đại học, Nhà trường và những nhà quản lý lo khả năng tự chủ tài chính nhưng đó không phải vấn đề chính.

Sáng 21/9, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học "Tự chủ trong giáo dục Đại học - những vấn đề đặt ra" do ông Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam chủ trì.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - chuyên gia Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục cho rằng có 4 rào cản tồn tại ở Giáo dục Đại học hiện nay: phân kỳ về nhận thức đối với tự chủ Đại học; từ sự phân kỳ về nhận thức dẫn tới sự thiếu nhất quán về thể chế, thiếu nhất quán từ các văn bản Luật đến văn bản dưới Luật; sự tồn tại và lên ngôi của các tổ chức nhóm ở Viện trường; chưa thấy rõ được cơ chế vận hành của tự chủ Đại học.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, tự chủ Đại học là sự tái phân bổ quyền lực theo hướng Nhà nước giao một số quyền quyết định cho Nhà trường trong các lĩnh vực chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính với niềm tin rằng Nhà trường có điều kiện để ra các quyết định phù hợp hơn và khả thi hơn. Từ đó, đạt được mục đích là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Để đạt được mục tiêu đó, Nhà trường phải có được hai thành tố: Nhà trường được kiểm định và công nhận về chất lượng; Nhà trường có một hội đồng trường có năng lực và thực lực.

Để có mội Hội đồng trường có năng lực, cần phải chú ý về mối quan hệ giữa hội đồng này với Bộ chủ quản và năng lực của Hội đồng phải thực sự mạnh để đưa Nhà trường đạt được đúng mục đích.

"Trao quyền lực quá lớn cho một người hay một Hội đồng có năng lực hạn chế thì lợi bất cập hại" - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến bình luận.

Trong khi đó, PGS.TS Đặng Bá Lãm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại cho rằng, có 6 phạm vi mà các trường Đại học cần được tự chủ: Tự chủ quản lý; Tự chủ kiểm soát tài chính; Tự chủ về nhân sự; Tự chủ tuyển sinh; Tự chủ học thuật; Tự chủ đánh giá và cấp bằng.

PGS.TS Đặng Bá Lãm cho rằng, khi bàn luận về tự chủ Đại họ, giới khoa học trong nước thảo luận sôi nổi về tài chính, tuyển sinh, chương trình đào tạo... chứ ít người quan tâm đến nhiệm vụ trước mắt của các trường Đại học là sáng tạo khoa học. Điều đó theo ông là dễ hiểu bởi so với đào tạo thì các hoạt động khoa học tại trường ĐH ở nước ta vẫn là thứ yếu.

"Kinh phí đã ít, nhiệm vụ khoa học thì không bắt buộc khiến các trường Đại học tập trung vào đào tạo còn hoạt động khoa học thì đến đâu hay tới đó" - PGS.TS Đặng Bá Lãm nhận định.

Có cùng quan điểm như vậy, GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, tự chủ Đại học đầu tiên phải là tự chủ về học thuật. Đây là nhiệm vụ cơ bản nhất và quan trọng nhất của giáo dục Đại học.

Khi Đại học tự chủ được các vấn đề nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ.. nguồn thu của trường sẽ tăng lên, Trường Đại học sẽ tự trả lương cho giảng viên, tự bổ nhiệm hiệu trưởng, tự lập Hội đồng Nhà Trường sao cho hoạt động hiệu quả.

Thực tế đã chứng kiến việc Đại học thiếu tự chủ khiến GS chạy ra nước ngoài.

GS. TSKH Vũ Minh Giang nêu ví dụ, một giáo sư gốc Hungary về tế bào gốc đã từng đề nghị khoản lương 40.000 USD/tháng và đầu tư phòng thí nghiệm 10 triệu USD để tiếp tục công tác tại Trường ĐH KH-TN. Vào thời điểm năm 2006 và kinh tế Việt Nam khi đó, điều đó là rất khó khăn. Cuối cùng vị Giáo sư đó đã sang Hàn Quốc - nơi đạt được điều kiện tài chính đó.

"Giờ đây chúng ta thấy ngay cả người Việt Nam cũng lũ lượt sang Hàn Quốc để tiêm tế bào gốc. Đó đều là kết quả của công trình nghiên cứu của vị Giáo sư đó" - GS. Vũ Minh Giang cho biết.

Bên cạnh đó, đầu tư có trọng điểm thì mới hy vọng khả năng trường ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Một ví dụ như Trung Quốc đặt mục tiêu 100 trường Đại học của họ phải lọt top 100 trường Đại học xuất sắt nhất thế giới. Nhưng khi nhận thấy mục tiêu đó quá khó, họ đặt mục tiêu chỉ có 2 trường Đại học lọt Top 100 nói trên. Cuối cùng hai trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã đạt được đúng mục tiêu này.

Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Nguyên Phó Trưởng ban Thưởng trực Ban khoa giáo Trung ương Đảng lại cho rằng, vấn đề tài chính của Đại học sau tự chủ rất đáng quan tâm bởi như thế, Trường Đại học sẽ đổ Tài chính vào đầu sinh viên.

Ông Tăng cho rằng, nguồn thu khác của Trường Đại học đến từ các doanh nghiệp mua các nghiên cứu khoa học nhưng điều đó sẽ mất thời gian. Như vậy, các trường Đại học phải phát triển đến một mức nào đó mới có thể tự chủ được. Điều đó sẽ phải mất thời gian và phải có lộ trình.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/tu-chu-dai-hoc-dung-lo-cau-chuyen-tu-chu-tai-chinh-3365907/