Tự chủ đại học để giảm thất nghiệp

Quý 2 năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý 1, thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ, trong đó...

Qúy 2 năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý 1, thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ, trong đó, 418.200 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp. Cụ thể, có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên. Những con số khiến chúng ta không giật mình nhưng nó khiến chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng? Vì không có đủ việc làm cho họ hay vì chất lượng lao động không đáp được yêu cầu của nhà tuyển dụng? Tại một cuộc hội thảo về tự chủ của các trường đại học gần đây, có ý kiến cho rằng rất nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học có vấn đề. Ví dụ như là số lượng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường mà không có việc làm.

Theo các nhà quản lý giáo dục và các chuyên gia, để giáo dục đại học Việt Nam phát triển, để giảm dần tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì đại học Việt Nam phải tự chủ. Tự chủ đại học phải thực hiện đầy đủ trên ba mặt: Tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học có thể gọi tắt là tự chủ về học thuật; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về nhân lực. Tự chủ ở đây phải đi đôi với tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội. Mục đích cuối cùng là khẳng định chất lượng đào tạo đại học, người học sau khi ra trường phải có việc làm.

Vấn đề ở đây đã gọi là tự chủ thì phải đi đôi với trách nhiệm giải trình, ngoài các giải trình về các yếu tố nội bộ như giảng viên, cơ sở vật chất thì giải trình lớn nhất mà các trường phải trả lời - đó là sinh viên của mình ra trường có việc làm hay không và với mức thu nhập bao nhiêu? Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất đối với trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của tự chủ đại học khiến nhiều trường quan tâm - đó là vấn đề tự chủ tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc các trường sẽ tăng khung mức đóng học phí để có nguồn đầu tư trong hoạt động đào tạo. Đây sẽ là sự cạnh tranh trong hoạt động phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù Luật Giáo dục đại học đã quy định: “Quyền tự chủ của trường đại học”. Thế nhưng tại sao đến nay, vẫn chỉ có 14 trường đăng ký tự chủ đại học? Có rất nhiều lý do khiến các trường còn ngần ngại, trong đó có lý do tự chủ sẽ bị “xa rời bầu sữa ngân sách”.

Việc các trường đại học được giao tự chủ đồng nghĩa với việc sự công nhận của Chính phủ về ngôi trường đó đã trưởng thành. Có thể sẽ còn nhiều khó khăn về mặt tài chính khi “ra ở riêng” nhưng sẽ là độc lập trong mọi quyết định và cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm giải trình trước những việc của mình làm. Bài toán đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải giải là nguồn lực đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của giáo dục đại học khi ngân sách bị giới hạn. Và cuối cùng, tự chủ đại học là để nâng cao hơn chất lượng giáo dục đại học cũng như các trường sẽ tự chủ trong việc chọn ngành đào tạo đại học phù hợp để người học sau khi ra trường phải có việc làm. Đây là bước đi cần thiết khi những cảnh báo về tình trạng thất nghiệp của tân cử nhân, thạc sĩ ở nước ta ngày càng cao.

Xuân Giao

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tu-chu-dai-hoc-de-giam-that-nghiep-n123627.html