Tự chủ đại học - còn lắm băn khoăn !

Dù không còn mới nhưng đến nay nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước vẫn còn băn khoăn, lúng túng trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ.

Dù không còn mới nhưng đến nay nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước vẫn còn băn khoăn, lúng túng trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ.

Đại diện lãnh đạo các trường ĐH khu vực miền Trung băn khoăn đối với cơ chế tự chủ ĐH. Ảnh: P.T

Đại diện lãnh đạo các trường ĐH khu vực miền Trung băn khoăn đối với cơ chế tự chủ ĐH. Ảnh: P.T

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cơ chế tự chủ bậc ĐH đã được đề cập tại Nghị quyết 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa VII. Trên tinh thần Nghị quyết 04 về "Xây dựng một số trường ĐH trọng điểm quốc gia", ĐH Quốc gia Hà Nội được thành lập vào năm 1993 và là cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam được trao quyền tự chủ cao ở giai đoạn này.

Từ đó, qua các giai đoạn khác nhau cùng với việc Luật Giáo dục ĐH được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với xu thế phát triển & hội nhập, nhiều Nghị quyết, Nghị định (NQ, NĐ) cũng đã được ban hành, nhất là khi NQ 77 (2014) của Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ, cơ chế này được mong đợi sẽ là "chiếc đũa thần" tạo đòn bẩy để thay đổi diện mạo và phát triển cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam... Điều này cho thấy, cơ chế tự chủ không còn là vấn đề mới đối với các trường ĐH ở Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cả nước chỉ có trên dưới 25 trường ĐH thí điểm tự chủ. Vẫn còn nhiều trường ĐH băn khoăn, dùng dằng chưa dám mạnh dạn triển khai xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện cơ chế này.

Tại hội nghị trực tuyến về "Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH" do Bộ GD-ĐT tổ chức tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh vào hạ tuần tháng bảy vừa qua, TS Nguyễn Sanh Tùng- Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) ĐH Y Dược Huế - đặt vấn đề: Khi thực hiện cơ chế tự chủ, các trường ĐH có được Nhà nước đầu tư để phát triển mũi nhọn, đầu tư để nâng cấp, phát triển nhằm đáp ứng với sự phát triển của khu vực, quốc tế nữa hay không? "Tự chủ mà thả về kinh tế, không có sự đầu tư của Nhà nước thì chắc không thể thực hiện được, bởi có rất nhiều khó khăn kèm theo…", TS Nguyễn Sanh Tùng chia sẻ. Cũng theo ông, cần có quy định cụ thể, rõ ràng bằng văn bản pháp luật về vấn đề này. Bởi hiện có rất nhiều lo lắng trong tương lai sẽ như thế nào khi "bơi trong biển cả, liệu có ai ném phao hay tự bơi không có phương hướng". Song song vấn đề này, đại diện HĐT ĐH Y Dược Huế cũng băn khoăn về vai trò hoạt động của HĐT và vai trò của Chủ tịch HĐT. Cụ thể là giữa Chủ tịch HĐT và Hiệu trưởng, ai là người đứng đầu của một trường ĐH? Ai là người đánh giá hiệu quả công việc của Hiệu trưởng? Cũng liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu đến từ các trường ĐH khu vực miền Trung cho rằng, tự chủ cần có sự phân cấp rõ ràng giữa Hiệu trưởng với Chủ tịch HĐT...

Cũng tại hội nghị này, đại diện trường ĐH Quảng Bình cho biết, thời gian qua, Chủ tịch HĐT của trường này là Phó Chủ tịch tỉnh đã hoạt động rất tốt, hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH mới có hiệu lực thì Chủ tịch HĐT phải là cán bộ cơ hữu, phải là Bí thư. Điều này đã gây khó khăn cho nhà trường… Hầu hết các đại biểu đều kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành NĐ để các trường dễ thực hiện, nhất là các ĐH Vùng.

Giải đáp những băn khoăn liên quan đến mối quan hệ, vai trò của Hiệu trưởng và Chủ tịch HĐT, tại hội nghị này, Vụ trưởng Vụ GD ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, "không nên tư duy theo kiểu chỉ có một người có quyền trong một trường ĐH". Hiệu trưởng là người đại diện cho nhà trường trước pháp luật, là chủ tài khoản. Vì vậy, trong công tác quản lý điều hành nhà trường thì Hiệu trưởng là người đứng đầu. Đối với HĐT thì Chủ tịch HĐT là người đứng đầu và làm việc theo cơ chế hội đồng để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như Luật đã quy định (Điều 16 đối với các trường ĐH công lập; Điều 17 đối với các trường ĐH ngoài công lập). Liên quan đến băn khoăn, "ai là người đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của Hiệu trưởng", theo TS Kim Phụng, điều này cũng đã được nêu rõ trong Luật về Quyền của HĐT là tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của Hiệu trưởng, lấy phiếu tín nhiệm của Hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo cơ chế…

Mới đây, trong buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc triển khai Luật Giáo dục Nghề nghiệp, khi đề cập đến câu chuyện tự chủ, ông Phan Thanh Bình- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc Hội - cho rằng, cần hiểu tự chủ theo nghĩa trọn vẹn, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề về tài chính. "Nếu nghĩ tự chủ là đừng cầm tiền Nhà nước, tôi cho rằng tư duy này không đúng, không chuẩn. Tự chủ là phải nhận thức rõ anh đang đứng ở đâu; anh nhận thức rõ đồng tiền ít thì sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả. Điều quan trọng là anh được quyền làm những việc trong phạm vi của mình. Thực sự, cơ chế và nhận thức mới là vấn đề quan trọng trong việc thực hiện tự chủ"- ông Bình bày tỏ quan điểm.

Dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, nhưng phần lớn các trường ĐH chưa triển khai cơ chế tự chủ vẫn còn đang lúng túng, băn khoăn. Bởi theo các trường ĐH này, những vấn đề cốt cõi của tự chủ ĐH cũng như giới hạn trao quyền tự chủ cho các cơ sở GD ĐH vẫn chưa được phân định rạch ròi trong Luật. Cùng với việc kiến nghị Chính phủ sớm ban hành NĐ hướng dẫn dưới Luật, các trường ĐH cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một số quy định văn bản pháp lý, thông tư không còn phù hợp với thực tiễn nhằm hỗ trợ cho các trường ĐH trong quá trình thực hiện tự chủ…

KHÁNH YÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_210548_tu-chu-dai-hoc-con-lam-ban-khoan-.aspx