Tự chủ bệnh viện: Không phải bệnh viện nào cũng 'nắm được cơ hội'

Việc giao tự chủ tài chính cho các bệnh viện đồng là cơ hội để các bệnh viện bứt phá, đổi mới về quản trị cũng như thực hiện cơ chế tài chính phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay không phải bệnh viện nào cũng biết nắm lấy cơ hội để bứt phá.

Bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Theo ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ chế tự chủ tài chính đã giúp Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương dành ra nguồn kinh phí để nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, cũng như cải tiến kỹ thuật để phục vụ tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, nhận thức, thái độ phục vụ của bác sĩ, người lao động BV ngày một thay đổi, đảm bảo môi trường khám chữa bệnh an toàn, xanh, sạch, đẹp… tạo được lòng tin của nhân dân đối với BV Nhi Trung ương, để xứng đáng trở thành BV đầu ngành trong đào tạo, chữa trị nhi khoa của đất nước.

Chia sẻ về những thay đổi nhận thức từ tự chủ tài chính BV, PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, năm 2015, BV Nội tiết Trung ương ký cam kết với Bộ Y tế về việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đến nay, BV đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử mà Bộ Y tế đề ra.

Cùng với đó, BV thường xuyên tăng cường tập huấn cho cán bộ, nhân viên các kỹ năng, tình huống về giao tiếp, nhất là tại khoa Khám bệnh và khoa Cấp cứu. Tạo điều kiện tốt, thuận lợi giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế.

Theo ông Lương, 100% khoa phòng của BV đã ký cam kết giao tiếp, ứng xử thân thiết với người bệnh; không nhận quà dưới mọi hình thức; có bộ phận chăm sóc người bệnh và thân nhân người bệnh; thực hiện tốt đường dây nóng, hòm thư góp ý đúng quy định; thực hiện tốt khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.

BV còn tăng cường tuyên truyền, giải thích để người bệnh, người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ khi đi khám chữa bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm túc cam kết, tránh tình trạng ký cam kết lấy lệ, hình thức, không hiệu quả. Đồng thời, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phát hiện kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình đề xuất với cơ quan có thẩm quyền kịp thời khen thưởng.

Thực hiện lộ trình tính đầy đủ các chi phí

Bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn những khó khăn khi BV tự chủ, theo ông Lương, hiện chế độ dịch vụ y tế hiện hành của Nhà nước vẫn chưa tính đầy đủ các yếu tố chi phí (trực tiếp và gián tiếp…). Ngoài ra, BV còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư chung. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng, nhưng cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị của BV còn chật chội.

Do số lượng bệnh nhân tăng nên các khoản chi thường xuyên đảm bảo hoạt động của BV cũng sẽ tăng theo, trong khi mức thu dịch vụ y tế theo quy định chưa tính đầy đủ các chi phí liên quan.

Để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho hay, Bộ Y tế sẽ phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu chưa đủ. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính.

Thời gian qua, nhà nước đầu tư rất nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của BV trong vấn đề trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, một số BV đã thực hiện hình thức như vay vốn, liên doanh liên kết, hợp tác để đầu tư. Ưu điểm lớn nhất là BV có trang thiết bị, có những buồng bệnh để phục vụ người bệnh tốt hơn, phát triển được các kỹ thuật điều trị cao.

Tuy nhiên, có một vướng mắc ở giá dịch vụ, giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và giá do nhà nước quy định. Chúng ta đang trên lộ trình tính đúng, tính đủ nhưng hiện nay chỉ mới tính chi phí trực tiếp vào tiền lương, chưa tính khấu hao. Chính vì thế, đối với khu vực xã hội hóa bắt buộc phải tính cả khấu hao và chi phí khác giá cao hơn nên tạo ra sự chênh lệch giá.

“Với lộ trình tính đầy đủ các chi phí, khấu hao vào giá dịch vụ y tế thì vấn đề xã hội hóa rất thuận lợi và tạo hành lang pháp lý rất tốt để cho các BV thực hiện. Nhà nước không cần phải đầu tư trang thiết bị mà sẽ hỗ trợ cho người dân mua thẻ BHYT, nâng mệnh giá BHYT, quỹ BHYT lớn hơn để chi trả giá dịch vụ đầy đủ, đúng với thị trường hơn”- ông Liên cho biết.

Năm 2020, có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên

Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tăng cường trao quyền tự chủ cho các đơn vị nhưng có kiểm soát về khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhân lực làm việc tại các cơ sở xã hội hóa. Đã có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trong đó 37 đơn vị trực thuộc Bộ (tăng 3 đơn vị so với năm 2019); nhiều đơn vị đã tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên; 4 bệnh viện (BV) được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư là BV Bạch Mai, BV K, BV Hữu Nghị Việt Đức, BV Chợ Rẫy.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-03-22/tu-chu-benh-vien-khong-phai-benh-vien-nao-cung-nam-duoc-co-hoi-101364.aspx