Tự chủ bệnh viện công lập: Bảo đảm hài hòa lợi ích cơ sở y tế và người bệnh

Tự chủ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành Y tế. Để tránh các hiện tượng tiêu cực, trục lợi bảo hiểm y tế, tận thu... cần có hàng rào về cơ chế chính sách để kiểm soát, tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người dân.

PHÁT HUY TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA CÁC BỆNH VIỆN CÔNG

Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành ngày 25-10-2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” có nêu mục tiêu tổng quát là: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.... Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công”. Mục tiêu cụ thể đề ra, trong giai đoạn đến 2021 phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính và đến 2025 có 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành ngày 25-10-2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch”.

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Y tế xác định nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế với mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân gắn với việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị, đặc biệt là tự chủ về tài chính. Thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, ngành Y tế có 29 đơn vị được giao quyền tự chủ (tăng 4 đơn vị so với năm 2018), qua đó, ước tính sẽ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng/năm đối với tuyến Trung ương và gần 15.000 tỷ đồng đối với hệ thống y tế địa phương.

Thực tế cho thấy, cơ chế tự chủ từng bước phát huy tính năng động của các bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện cho các bệnh viện huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Nhờ đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện. Thời gian qua, các bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ có khả năng triển khai và phù hợp với năng lực của mình. Trên cơ sở đó, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp để thành lập các đơn vị mới hoạt động có hiệu quả hơn. Bản thân các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng ý thức rõ hơn tinh thần phục vụ người bệnh, để có thái độ chuẩn mực hơn. Từ đó, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của người bệnh.

PHÒNG TRÁNH TRỤC LỢI, "LỢI ÍCH NHÓM"

Ngày 19-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thí điểm tự chủ tại 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế là: Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, K và Chợ Rẫy. Theo đó, 4 bệnh viện này “thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”. Mục tiêu của việc tự chủ các bệnh viện là nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viên; nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.

Nghị quyết 33 của Chính phủ được xem là một đột phá trong thực hiện tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập và nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều băn khoăn đặt ra từ xã hội như: liệu việc giao tự chủ toàn diện cho các bệnh viện có dẫn đến tình trạng lạm thu, tăng giá dịch vụ y tế, hay có gia tăng các chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, có kéo dài thời gian nằm điều trị, có cắt giảm nhân lực, giảm chi phí tối thiểu để tăng chênh lệch thu - chi, có dẫn đến sự phân biệt, bất bình đẳng giữa bệnh nhân khám, điều trị bình thường, bệnh nhân có BHYT và dịch vụ? Giải quyết như thế nào vấn đề “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ”, hay phát sinh “lợi ích nhóm” khi bệnh viện “tự chủ toàn diện”? Làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cơ sở y tế và người bệnh?

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thậm chí cần có tổ chức giám sát độc lập để đảm bảo minh bạch, phòng tránh tận thu, trục lợi, “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực này.

Theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, kết quả kiểm toán những năm gần đây cho thấy, tại nhiều bệnh viện còn tình trạng trang thiết bị mua về không được sử dụng, hoặc chưa bố trí được cơ sở hạ tầng đồng bộ để lắp đặt có thể dẫn đến hỏng hóc, giảm thời gian khấu hao của máy móc, trang thiết bị gây lãng phí nguồn tài chính công. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết với các tổ chức tư nhân, dưới áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng chỉ định dùng máy liên doanh liên kết, trong khi bỏ rơi máy móc được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, gây lãng phí tài sản nhà nước. Để thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, cần mở rộng quyền tự chủ, tự quyết định của các cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh lạm dụng nguồn lực công, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Ông Lê Đình Thăng cũng cho biết, năm 2019 này, Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán chuyên đề tự chủ đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập. Ngoài kiểm toán nhà nước chuyên ngành, còn có kiểm toán các khu vực tham gia đối với bệnh viện địa phương, tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đây cũng là dịp nhìn nhận lại toàn bộ cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập, không chỉ là vấn đề tiền (giá dịch vụ) mà còn là việc thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện, trong đó có tổ chức bộ máy, đặc biệt là tự chủ tài chính. Kiểm toán đi sâu xem xét nguồn thu, quản lý chi tiêu, để từ đó kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có chính sách quản lý phù hợp, vừa đảm bảo quyền được tự chủ của các bệnh viện, giảm được ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện, nhưng phải tăng được chất lượng dịch vụ y tế mà người dân được thụ hưởng.

Trước những lo lắng của xã hội về việc lạm thu, tận thu, tăng giá dịch vụ..., ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: Không phải cứ tự chủ là được phép làm mọi thứ. Bệnh viện được Nhà nước đầu tư ban đầu nên vẫn là bệnh viện công, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao như khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT theo mức giá quy định chứ không được thu cao hơn, trừ trường hợp khám theo yêu cầu thì bệnh viện mới được quyết định mức giá. Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Theo đó, các đơn vị phải tự xây dựng, ban hành nhiều mức giá theo khả năng cung cấp đáp ứng cho người bệnh. Hiện nay, phần lớn các bệnh viện xây dựng các gói dịch vụ có mức giá khác nhau để phù hợp với khả năng chi trả của mọi tầng lớp, đối tượng. Người dân nào có nguyện vọng chăm sóc tốt hơn thì trả dịch vụ cao hơn. Về cơ bản, Nghị quyết 33 của Chính phủ là khung, mỗi bệnh viện thí điểm phải xây dựng một đề án thực hiện cụ thể và sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chuyên môn, tổ chức bộ máy nhân sự.

Một trong những khó khăn khi áp dụng cơ chế tự chủ với các bệnh viện công lập hiện nay là phải đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 33: các bệnh viện cần sớm ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát. Như vậy sẽ tránh trường hợp khi Nhà nước giao quyền, các bệnh viện lại làm không đúng quy định. Chẳng hạn vấn đề đầu tư, mua sắm, chủ trương đầu tư, các dự án khi được tự chủ, bệnh viện phải tổ chức đấu thầu, mời chuyên gia thẩm định... theo đúng quy trình, thủ tục trước khi ra quyết định đầu tư, chỉ khác là không phải gửi và chờ Bộ Y tế phê duyệt.

"Thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện công lập, quan trọng nhất là phải thiết lập hàng rào về cơ chế chính sách để các bệnh viện thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, tránh vi phạm pháp luật. Hiện Quốc hội đang rà soát lại hệ thống pháp luật để tạo cơ hội cho các đơn vị tự chủ hoàn toàn hoạt động trên cơ chế nhà nước".

Ông Bùi Sỹ Lợi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tự chủ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành Y tế. Để tránh các hiện tượng tiêu cực, trục lợi BHYT, tận thu, cần có cơ chế công khai, minh bạch tài chính, thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước đối với chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người dân. Điều đó đòi hỏi Quốc hội phải liên tục cập nhật và sửa đổi những điều luật liên quan. Phải khuyến khích được nguồn lực đầu tư vào y tế, tăng khả năng cung ứng dịch vụ. Khi nhu cầu của người bệnh và khả năng cung cấp của xã hội cân bằng thì sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch. Với Luật BHYT, 90% người dân đã tham gia BHYT. Ngân hàng Thế giới đánh giá về y tế Việt Nam cho rằng, tỷ lệ người nghèo mắc bệnh không được điều trị y tế thấp hơn rất nhiều so với các khu vực trên thế giới nhờ vào lưới BHYT này. Đây là một thành tựu lớn trong bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng y tế cao hơn thì mức đóng phải cao hơn. Do đó, Chính phủ cần có lộ trình nâng mức đóng BHYT, mở thêm các gói BHYT để tạo cơ hội cho người dân có điều kiện tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện đang ở giai đoạn bắt đầu thí điểm. Để đánh giá tổng thể cả mặt được, chưa được cần có thời gian, tiếp cận nhiều chiều, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt tới mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 20-NQ/TW./.

Cao Nguyên

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/tu-chu-benh-vien-cong-lap-bao-dam-hai-hoa-loi-ich-co-so-y-te-va-nguoi-benh-124458