Từ chối vắc xin, dịch bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng quay lại

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tình trạng người dân thờ ơ với tiêm chủng là 1 trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu, khiến bệnh dịch nguy hiểm có điều kiện quay lại.

Qua báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tại châu Âu ghi nhận 8.580 trường hợp mắc và 33 trường hợp tử vong do sởi trong vòng 1 năm qua, trong đó nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối, tại các nước Pháp, Italia, Đức, Romania...

Tiêm chủng là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Tiêm chủng là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Tại Việt Nam, trong các năm 2013- 2014, dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn 100 trẻ tử vong. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi.

Theo ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, trên 90- 95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng bị nhiễm nên bệnh không thể lan rộng.

Cũng theo ông Đức Anh, từ cuối 2018, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi cho trẻ 1- 5 tuổi tại 418 huyện thuộc 57 tỉnh, thành, trong đó đã triển khai ở 150 huyện của 19 tỉnh/thành phố.

Các địa phương còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong các tháng tới, nhằm ngăn chặn sởi bùng phát thành dịch lớn; đã triển khai tiêm vắc xin uốn ván, bạch hầu đáp ứng phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả cho trẻ lớn và người lớn tại 29 xã của 5 huyện của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, là nơi có ổ dịch bạch hầu; hoàn thành tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản năm 2017 - 2018 cho 174.474 trẻ từ 6 - 15 tuổi, tại 28 huyện của 16 tỉnh, đạt tỷ lệ 95,6%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại, dù tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc vẫn duy trì tỷ lệ cao những vẫn có tình trạng trì hoãn và không tiêm chủng, ngần ngại đi tiêm chủng, ngay cả khi con ốm nhẹ.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây.

Cụ thể, vi rút bại liệt sẽ xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây ra dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm; hay bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.

Liên quan đến việc tiêm vắc xin tại Việt Nam, hiện nay cả nước đang triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2019, vắc xin có thành phần kháng nguyên tương tự 2 loại vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem và ComBe Five, ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới được đưa vào sử dụng.

Lý giải về việc đưa thêm vắc xin 5 trong 1 vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ông Đức Anh cho rằng, lượng vắc-xin ComBE Five được cung cấp gần đây mới đạt khoảng 60%-70% nhu cầu nên việc đưa thêm một vắc xin mới vào chương trình giúp chủ động về nguồn cung ứng cho tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe trẻ em.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tu-choi-vac-xin-dich-benh-nguy-hiem-de-doa-tinh-mang-quay-lai-104153.html