Từ chối nhiệt điện than: Có những bài học

Chính quyền tỉnh Long An không muốn thực hiện dự án nhiệt điện than trên địa bàn và quan điểm này nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia.

Theo quy hoạch, tại tỉnh Long An sẽ có 2 dự án nhiệt điện dự kiến vận hành trong năm 2025 và năm 2027. Cả 2 nhà máy này sẽ được xây dựng tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Tuy nhiên, tỉnh Long An bày tỏ quan điểm không thực hiện dự án nhiệt điện than, thay vào đó, tỉnh đề xuất chuyển sang nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhập khẩu.

Cụ thể, từ tháng 5/2017, UBND tỉnh Long An đã đề nghị Bộ Công thương cho chuyển dự án nhiệt điện than sang sử dụng công nghệ khí hóa lỏng do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đề xuất trên tiếp tục được UBND tỉnh Long An giữ nguyên trong văn bản gửi đến Bộ Công thương trong năm nay dù trước đó, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về dự án nhiệt điện của Long An, phía tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) đã "khuyên" địa phương đầu tư dự án bằng công nghệ than với lý do sử dụng công nghệ khí hóa lỏng có chi phí giá thành cao.

Phía Bộ Công thương cho rằng không có đủ cơ sở phê duyệt quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dùng khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh và một trong những lý do mà Bộ đưa ra là theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, tại tỉnh Long An được quy hoạch phát triển hai nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than.

Trên thực tế, việc hủy bỏ dự án nhiệt điện than để chuyển sang đầu tư nhiệt điện khí hóa lỏng đã từng xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, vào năm 2016, sau khi tỉnh Bạc Liêu xin rút dự án nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được chấp thuận.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TBKTSG

Vào ngày 4/5, UBND tỉnh Bạc Liệu đã cùng liên doanh nhà đầu tư Energy Capital Vietnam (Mỹ) đã ký bản ghi nhớ (MOU) về việc đầu tư xây dựng dự án cung cấp khí hóa lỏng và nhà máy nhiệt điện khí tại Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, có công suất 3.200 MW.

Sau đó, vào ngày 25/7, lãnh đạo Chính phủ đã có buổi tiếp các nhà đầu tư và UBND tỉnh Bạc Liêu liên quan đến dự án nêu trên. Tại buổi tiếp, đã giao Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành liên quan xem xét nếu dự án khả thi cao, thì bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII.

Từ trường hợp của Bạc Liêu, giới chuyên gia cho rằng, dự án ở Long An cũng có thể làm điều tương tự.

Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), xét về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể chuyển đổi từ nhiêu liệu than sang khí hóa lỏng, nhiệt lượng vẫn đảm bảo trong khi khối lượng vận chuyển khí hóa lỏng chỉ bằng 1/3 so với vận chuyển than.

Ông tính toán, nếu Trung tâm Nhiệt điện Long An sử dụng nguyên liệu than thì mỗi ngày phải vận chuyển tới 30.000 tấn, trong khi nếu sử dụng khí hóa lỏng thì chỉ cần 10.000 tấn/ngày.

Đáng lưu ý, việc xây dựng nhiệt điện khí hóa lỏng không gây ô nhiễm cho Long An và TP.HCM. Khi sử dụng khí hóa lỏng, các loại khí thải như SO2, NOx, CO2... giảm hơn so với than rất nhiều, thậm chí, SO2 không còn nữa vì trong quá trình hóa lỏng người ta đã phải loại bỏ lưu huỳnh, trong khi ô nhiễm CO2 chỉ bằng 1/2 so với nhiệt điện than.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, cứ 10 năm, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia được ban hành nhằm định hướng cho 10 năm tiếp theo và tầm nhìn cho 10 năm kế tiếp.

"Vào tháng 6/2011, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn đến năm 2030. Thế nhưng, quy hoạch này đã được xem xét và điều chỉnh lại vào tháng 3/2016 và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII. Như vậy, quy hoạch hoàn toàn có thể điều chỉnh được", ông nói.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho hay, ở giai đoạn Thủ tướng ký Quy hoạch Điện VII, nhiên liệu khí hóa lỏng rất đắt, gấp mấy lần so với nhiên liệu than. Sau này, chi phí khí hóa lỏng đã giảm đi nhiều, có khả năng cạnh tranh với nhiệt điện than.

"Các chuyên gia vẫn nói, nhiệt điện than rẻ là vì chưa tính chi phí môi trường vào trong đó. Nếu tính đủ chi phí phải bỏ ra do nhiệt điện than gây ra ô nhiễm cho môi trường thì đó mới là giá thực.

Trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh chưa tính chi phí mà xã hội, Nhà nước hay người dân phải bỏ ra do bị ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các nước tính cả chi phí đó vào thì chi phí nhiệt điện than không hề rẻ như Quy hoạch Điện VII tính toán.

Rất nhiều nước áp thuế carbon đối với các nhà máy nhiệt điện và mức thuế này rất cao, thậm chí cao hơn so với thuế môi trường. Đây là khoản phí mà người sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải trả cho lượng khí carbon dioxide mà họ thải ra trong khí quyển.

Ở Việt Nam chưa đánh thuế carbon, chỉ đánh thuế môi trường nên nếu tính thêm thuế carbon thì giá nhiệt điện than không rẻ hơn nhiệt điện khí hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời. Vì lẽ đó, nhiều nơi đã chuyển hướng sang sử dụng khí hóa lỏng thay cho nhiệt điện than", chuyên gia Ngô Đức Lâm phân tích.

Ông khẳng định, quy hoạch điện không phải là bất di bất dịch, phải tính toán cho rõ ràng, cái gì có lợi thì làm. Bên cạnh đó, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép địa phương.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tu-choi-nhiet-dien-than-co-nhung-bai-hoc-3369148/