Từ chối nhà máy dệt nhuộm triệu USD: Vĩnh Phúc nói rõ

Xác định nhà máy dệt-nhuộm có thể gây ô nhiễm nguồn nước của nhiều tỉnh thành khác, lại chưa rõ công nghệ nên Vĩnh Phúc từ chối.

Không có quy hoạch nhà máy dệt, nhuộm

UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL (Hong Kong) trên địa bàn tỉnh.

Xác nhận với Đất Việt, ngày 26/6, ông Nguyễn Công Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này.

Ông Quang cho biết thêm: "Ngày 21/4, tỉnh đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Đánh giá dự án đầu tư Nhà máy dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động đến môi trường”.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, môi trường; đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại diện UBND các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu và vùng Thủ đô; đại diện các địa phương nơi dự kiến đặt nhà máy.

Tại đây, rất nhiều ý kiến không đồng tình, tỉnh cũng đã có văn bản ghi lại các ý kiến trên".

Một xưởng sản xuất nhà máy dệt. Ảnh minh họa

Một xưởng sản xuất nhà máy dệt. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Quang, lĩnh vực dệt nhuộm nguy cơ ô nhiễm rất cao mà nằm tại đầu nguồn của nhiều tỉnh, nguồn nước xả ra Hà Nội, xuống sông Cà Lồ, vào sông Cầu đi qua địa phận các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, trong khi lượng nước thải rất lớn.

Hầu hết lãnh đạo các tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học đều khuyến nghị Vĩnh Phúc chưa nên đầu tư, vì nguy cơ ô nhiễm, một ngày mấy chục nghìn lít nước được thải ra, mà khả năng xử lý nguồn nước thải đó chưa biết hiệu quả ra sao, chưa có gì đáng tin.

Hơn nữa, dự án cũng không phù hợp với các quy hoạch đã được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt.

Vĩnh Phúc giờ cần ăn ngon, mặc đẹp

Nói về việc Vĩnh Phúc nhận được nhiều sự đầu tư từ các nước nên có nhiều sự lựa chọn, ông Quang chia sẻ: "Vĩnh Phúc đã có những quy hoạch phát triển cụ thể, trong quy hoạch bao giờ cũng lựa chọn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ ứng dụng môi trường.

Nhất là khi vùng được dự kiến đặt nhà máy dệt nhuộm của Tập đoàn TAL trong quy hoạch đã xác định trở thành vùng lõi của Vĩnh Phúc, nên lựa chọn cần sự tính toán. Tôi khẳng định Vĩnh Phúc không có quy hoạch cho nhà máy dệt - nhuộm, chỉ có ngành may".

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở KH-CN khi đã xác định được khả năng gây ô nhiễm của dự án thì không thể nào chấp nhận đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, mà thực là chưa rõ hiệu quả.

Trước Vĩnh Phúc, đã có TP Đà Nẵng cũng từng từ chối một dự án nhà máy dệt nhuộm trị giá 200 triệu USD do lo ngại về ô nhiễm.

Nhắn gửi đến các địa phương khác về thái độ đối với các dự án đệt nhuộm, ông Quang nói: "Đối với các dự án nhà máy dệt nhuộm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thì mới ít ô nhiễm môi trường, còn nếu cứ sử dụng công nghệ thấp sẽ phải chấp nhận đánh đổi.

Trước đây, tôi đã từng làm nhà máy dệt nhuộm nên tôi biết, nhưng nhiều nơi Sở KH-CN khi thẩm định không làm rõ được tác động ô nhiễm, mập mờ.

Với Vĩnh Phúc câu hỏi ban đầu của chúng tôi đặt ra là xác định rõ được vấn đề công nghệ của nước nào, vì nếu không sẽ đối diện rủi ro, không khác gì Formosa Hà Tĩnh, xảy ra hậu quả thì không thể sửa đổi".

Dùng vài từ ví von cho quyết định của Vĩnh Phúc, ông Quang nói thêm: "Hãy ủng hộ cho quyết định của Vĩnh Phúc, vì chúng tôi giờ cần ăn ngon mặc đẹp, chứ không thể ăn thô lắm thuốc bảo vệ thực vật, khi đã có nhiều lựa chọn để được đầu tư và phát triển".

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tu-choi-nha-may-det-nhuom-trieu-usd-vinh-phuc-noi-ro-3360717/