Từ chối khai báo không có lý do chính đáng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bạn đọc hỏi: Trong quá trình điều tra vụ án giết người, Công an phát hiện con tôi biết một số thông tin quan trọng nên đã yêu cầu con tôi ra làm chứng nhưng con tôi từ chối. Công an có giải thích là nếu không hợp tác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thưa luật sư, những lời anh Công an nói có đúng không, con tôi có bị bắt đi tù không? Nguyễn Mạnh Hùng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 383, Bộ luật Hình sự (Ảnh minh họa)

Từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 383, Bộ luật Hình sự (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Tại Điều 383, Bộ luật Hình sự quy định Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu như sau:

“1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Từ chối khai báo, được hiểu là hành vi của người làm chứng, đã không đồng ý thực hiện nghĩa vụ khai báo trước cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trốn tránh để không thực hiện việc khai báo đó.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Cụ thể:

- Người làm chứng có nghĩa vụ khai báo nhưng đã không đồng ý thực hiện nghĩa vụ khai báo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Hành vi thể hiện bằng văn bản, bằng miệng hoặc im lặng không trả lời mà không có lý do chính đáng;

- Trốn tránh khai báo, được thể hiện thông qua việc người làm chứng có nghĩa vụ khai báo đã lẩn tránh không đến địa điểm được triệu tập hoặc không gặp người có thẩm quyền để khai báo (mặc dù không thể hiện việc từ chối khai báo) mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp này con bạn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 19, Bộ luật Hình sự (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội). Do đó, nếu con bạn từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 383, Bộ luật Hình sự nêu trên. Mức hình phạt cao nhất là 1 năm tù.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/tu-choi-khai-bao-khong-co-ly-do-chinh-dang-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su/861768.antd