Từ chiến lược xanh đến kết quả xanh

Đến Quảng Ninh hôm nay, trong sự sôi động của một địa phương đang chuyển động và đổi mới không ngừng, bạn vẫn sẽ có những phút giây lắng lại, tận hưởng và cảm nhận những khoảng không gian tuyệt vời, có màu xanh của biển, của cây, của trời. Và đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng được 'xanh hóa' của tỉnh. Từ chiến lược xanh, mục tiêu xanh, đã và đang cho Quảng Ninh những trái ngọt và những kỳ vọng về thành tựu trong những mùa xuân mới.

TP Hạ Long bên bờ Di sản Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn

TP Hạ Long bên bờ Di sản Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn

KHI TƯ DUY KHÔNG LÀ HỮU HẠN

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh xác định, phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó, dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.

Mục tiêu tăng trưởng xanh đã được Quảng Ninh chuyển tải bằng những cách làm mới, riêng có, thậm chí trong đó có những cách làm là tiên phong trong cả nước. Đơn cử, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Ninh thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng của tỉnh, gồm các quy hoạch: Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng vùng tỉnh; Phát triển nguồn nhân lực; Du lịch; Phát triển KHCN; Sử dụng đất và quy hoạch môi trường.

Thời điểm đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất được Chính phủ chấp thuận làm điều này, cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước huy động xã hội hóa được trên 230 tỷ đồng để làm công tác quy hoạch. Năm 2014, khi Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược, các bản quy hoạch đều được đánh giá đã phản ánh được tư duy đột phá trong phát triển. Đặc biệt, các phương án được lựa chọn thể hiện cách thức tiếp cận đúng hướng của tỉnh (chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu” sang "xanh” một cách hài hòa, hợp lý); thông qua việc xác định phân bố không gian phát triển theo hướng “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”.

Đến thời điểm này, các sở, ngành, địa phương vẫn tiếp tục cụ thể hóa 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh; nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, địa bàn trọng điểm; hạn chế tình trạng triển khai quy hoạch không đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Du thuyền tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn

Song song với triển khai các quy hoạch chiến lược, tỉnh tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về: Phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, tạo động lực, đòn bẩy thực hiện tăng trưởng xanh một cách nhanh, mạnh, bền vững hơn.

Đồng thời, kiên trì với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, tỉnh đã dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết lớn: Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU (ngày 5/2/2016) về phát triển dịch vụ. Qua đó, tạo sự thay đổi ngoạn mục về cơ cấu kinh tế, đưa ngành "công nghiệp không khói” tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn.

TRÁI NGỌT TỪ SỰ ĐỔI MỚI

Người dân Quảng Ninh bây giờ rất tự hào về những cái “nhất” mà tỉnh đã đạt được và về những điều mà họ đã, đang được thụ hưởng. Đó là tỉnh có nhiều mô hình đổi mới, tiên phong trong cả nước, nhất là trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy; là tỉnh dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (Par index); nơi có cao tốc đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho đầu tư theo mô hình PPP và đến năm 2020 sẽ là tỉnh có đến 200km cao tốc; nơi có sân bay, cảng biển quốc tế;... Các công trình dịch vụ công như hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, trụ sở các cơ quan, được đầu tư theo hướng hợp tác công - tư, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công phục vụ người dân.

Công viên Sunworld Halong Park hiện là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Hạ Long, đến Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn

Với những nỗ lực “xanh hóa”, Quảng Ninh đã từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã tăng từ 39,3% năm 2010 lên 44,8% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 là 47%; công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 49,2% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 48%; nông nghiệp giảm từ 8,7% năm 2010 xuống còn 6% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 5%.

Năm 2019, Quảng Ninh đón 14 triệu lượt du khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khách quốc tế đạt 5,75 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 103.724 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 8,8%/năm; giai đoạn 2016-2018 là 11,9%/năm; dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 13,1%/năm. Ngành Du lịch tạo ra khoảng trên 198.000 việc làm (119.000 việc làm trực tiếp, 79.000 việc làm gián tiếp).

Giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều có sự tăng trưởng tốt, gắn với việc đầu tư, ứng dụng KHCN để tăng năng suất, giảm tác động đến môi trường. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%...

Quảng Ninh bây giờ đã sạch hơn, xanh hơn, trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư lẫn du khách trong và ngoài nước. Điều này càng góp phần khẳng định quan điểm đúng đắn, xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh là dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh; nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực; bên cạnh nguồn lực tài chính còn là nguồn lực con người, nguồn lực tinh thần, nguồn lực từ truyền thống văn hóa, lịch sử, nguồn lực từ sự tiến tới phá bỏ những quán tính cũ, thủ tục lạc hậu...

Hồng Nhung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202001/tu-chien-luoc-xanh-den-ket-qua-xanh-2469147/