Từ Chỉ thị của Trung ương Đảng đến Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh ra 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc', chỉ với vẻn vẹn 441 từ nhưng đã khái quát rõ nét, toàn diện mục đích, tính chất, phương châm, cách thức trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Bài viết tập trung làm rõ ý nghĩa và giá trị thực tiễn 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc' năm 1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa và giá trị thực tiễn “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước. Bản thân Người đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động “Phong trào thi đua ái quốc” nhằm mục đích: “Ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể việc làm của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”1.

Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện niềm tin vào kết quả tốt đẹp của phong trào: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng trên khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”2.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển rộng khắp các vùng miền và thu hút tầng tầng, lớp lớp nhân dân tham gia. “Sau phong trào luyện quân lập công và gây cơ sở phá kỷ lục trong quân đội (tháng 4/1948), Trung ương Đảng đã phát động phong trào thi đua ái quốc ở mỗi ngành hoạt động của Chính phủ, của nhân dân, các đoàn thể và trong nội bộ Đảng. Khi Chỉ thị phát ra, các cấp bộ Đảng, các cơ quan chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân đều nhiệt liệt hưởng ứng. Phong trào từ đó lan ra khắp nơi, trong các cơ quan chính quyền, các nhà máy, quân đội, du kích, nhân dân các làng, các xã… đều tham gia thi đua với nhiều hình thức phong phú”3.

Trong kháng chiến chống Pháp, cả nước có phong trào “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”. Trong các xí nghiệp quốc phòng, kế tiếp phong trào “Gây cơ sở phá kỷ lục” có phong trào “Rèn luyện cán bộ, cải tiến kỹ thuật”. Trong nông nghiệp có phong trào “Tăng gia sản xuất, thi đua cấy chiêm, sửa đê, dọn sông máng, trồng nhiều bông”. Trong văn hóa có phong trào thanh toán nạn mù chữ, bình dân học vụ (ở Khu I, III, X). Về xã hội, có phong trào bài trừ hủ tục lạc hậu, làm nhà vệ sinh, làm chuồng trâu xa nhà, đào giếng. Về quân sự có phong trào phá tề, địch vận, giết giặc, phong trào du kích các địa phương thi đua với nhau lập thành tích, phong trào Nam Bộ thi đua với Trung Bộ và Bắc Bộ. Để tổng kết phong trào thi đua chiến đấu và sản xuất phát động từ năm 1948, Chính phủ quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu. Đại hội họp từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 với 154 chiến sĩ tiêu biểu cho các ngành công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc. Đại hội đã bầu được 7 anh hùng chiến sĩ thi đua: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyến Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh. Đại hội là sự động viên kịp thời đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong giai đoạn mới - giai đoạn tổng phản công và đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, các phong trào thi đua tiếp tục được duy trì và nở rộ trên khắp các lĩnh vực, các vùng, miền trong cả nước. Mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến đều có các phong trào thi đua phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng, như: “Cờ Ba nhất”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Trống Bắc Lý”, “Thi đua Hợp tác xã Thành Công”, “Hai tốt” “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Xây dựng gia đình vẻ vang”, “Hội mẹ chiến sỹ”, “Ba quyết tâm”, “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Thi đua yêu nước, chống Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, “Bám đất giữ làng”; “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”,... Các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ này không chỉ phát huy tài năng sáng tạo đóng góp của tất cả các tầng lớp nhân dân, các lĩnh vực chiến đấu và sản xuất; là động lực giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tạo nên sự đoàn kết mọi tầng lớp, giai cấp, ngành nghề, lĩnh vực vì mục đích cách mạng thắng lợi, mà còn tích cực góp phần chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giữ gìn hòa bình và dân chủ trên thế giới.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có những phong trào thi đua thật sự hiệu quả, thiết thực

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác thi đua, thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Có thể kể đến việc Bộ Chính trị thông qua Đề án Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/1/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc vận dụng, bổ sung, phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc có ý nghĩa quan trọng. Điều đặc biệt là, mặc dù những quan điểm về thi đua ái quốc của Người được đưa ra cách đây 70 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và tính thời sự sâu sắc. Quan điểm của Người rất dễ hiểu, dễ nhớ luôn hàm chứa chiều sâu tư tưởng và ý nghĩa sâu sắc, đã và đang là phương châm chỉ đạo tư tưởng và hành động thực tiễn cho các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề ở chỗ cần hiểu và vận dụng quan điểm của Người như thế nào để có những phong trào thi đua thật sự hiệu quả, thiết thực trong điều kiện hiện nay là câu hỏi không dễ cho những người làm công tác thi đua, khen thưởng nói riêng, các cấp, các ngành và toàn xã hội nói chung. Trong thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua yêu nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và mang tính nhân dân sâu sắc, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Ðền ơn đáp nghĩa”... đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước.

70 năm qua, bản Chỉ thị phát động Phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên nhân dân cả nước vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mông Thị Tường Vy

Thạc sĩ, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 9 - 1948, Tr.71.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2011, Tập 5, Tr.557-558.

3. Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2017), Lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, Tập 10, Tr.441.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/tu-chi-thi-cua-trung-uong-dang-den-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-12634.html