Tứ chi của nam thanh niên như bị điện giật sau khi 'thầy lang' nắn bóp

Nam thanh niên đau lưng và cứng vai gáy, sau vài động tác mạnh và đột ngột của thầy lang, tứ chi của anh như bị điện giật, tê bì và yếu đi rất nhanh.

Thạc sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức gặp trường hợp nam thanh niên thấy đau và cứng vai gáy nên vào 1 trung tâm nắn bóp gia truyền ở Lạng Sơn. Sau vài động tác mạnh và đột ngột, tứ chi của anh như bị điện giật, tê bì và yếu đi rất nhanh.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu xuống Bệnh viên Việt Đức. Qua chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cấp tính chèn ép mạnh vào tủy và rễ thần kinh, đó chính là nguyên nhân gây yêu tứ chi.

Bệnh nhân được phẫu thuật lấy thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh rồi tập phục hồi chức năng. May mắn cho anh, sau mấy tháng trời tập luyện, tay chân anh đã gần như trở lại vận động bình thường.

Một trường hợp khác, hợp bệnh nhân bị đau lưng rồi vào một phòng khám tư ở Quảng Ninh. Tại phòng khám này, bệnh nhân được tiêm trực tiếp vào lưng.

Sau tiêm xuất hiện tê buốt dọc từ mông xuống chân rồi không đi lại được, chân bên tổn thương ngày càng yếu.

Sau thời gian chạy chữa mấy chỗ không cải thiện mới lên Hà Nội. Điều lạ lùng nhất với bác sĩ Khánh là việc bệnh nhân đã điều trị 1 thời gian dài ở vài phòng khám và cả ở các “thầy lang” nhưng khi đến khám, tất cả chỉ mới duy nhất có phim xquang lung, không có gì thêm nữa.

Bác sĩ Khánh cho biết, với bệnh lý cột sống, nếu không có phim chụp cộng hưởng từ (kết hợp với phim xquang) thì gần như chúng ta sẽ rất khó biết được bệnh nhân đang bị tổn thương gì, dù bác sĩ có giỏi đến đâu đi chăng nữa.

"Tuy vậy hiện nay, với nhiều địa chỉ chữa bệnh, bệnh nhân vẫn được điều trị, tiêm chọc, nắn bóp mà không cần phim ảnh chụp chiếu. Sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân, chưa nói đến việc bệnh sẽ không thể cải thiện nếu như việc bệnh nhân bị bệnh gì chúng ta còn chưa chẩn đoán ra. Chỉ có thể điều trị có hiệu quả khi chúng ta đã tìm ra chính xác bệnh", bác sĩ Khánh cho hay.

Bác sĩ Khánh cho biết, theo tổ chức y tế thế giới, cứ 4 người trên 40 tuổi sẽ có một người có vấn đề về xương khớp-cột sống. Và khi bước sang tuổi 50, con số đó là gần ½, còn trên 60 tuổi thì hầu hết chúng ta ai cũng ít nhiều gặp những vấn đề ở cơ quan vận động như thoái hóa gối, hoại tử chỏm xương đùi, sưng đau các khớp, đau lưng cứng cổ, loãng xương….

Bác sĩ Khánh đưa lời khuyên, nếu thấy đau nhức các khớp, đau nhức toàn thân về đêm, sung đau các khớp thì việc đầu tiên cần thực hiện đó là chúng ta cần liên hệ và khám tại các trung tâm chính thống chuyên về xương khớp-cột sống.

Bác sĩ Khánh khuyên khi có bất kỳ dấu hiệu về xương, khớp thì nên đi khám tại các trung tâm chính thống chuyên về xương khớp-cột sống

Ở đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám cẩn thận, chụp phim xquang, đo loãng xương, siêu âm, xét nghiệm máu, thậm chí chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ. Từ đó mới đưa ra chẩn đoán bệnh cụ thể và chính xác, rồi mới lên phác đồ điều trị, theo dõi.

Những vấn đề hiện nay đó chính là mọi người thường đi khám thầy lang, đi khám các phòng khám không chuyên khoa hoặc tự nghe ai đó mách bảo rồi tự mua thuốc về uống, đắp ngoài da, hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp.

Hậu quả là khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân “tàn tạ” quá mức cho phép: lông tơ mọc khắp mặt do tác dụng phụ của thuốc, râu ria ở nữ giới, da xạm đen, xuất huyết dưới da, phù mặt hoặc toàn thân, xét nghiệm men gan tăng cao, suy thận các mức độ, xương loãng nặng.

Thực sự ở giai đoạn đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn và kém hiệu quả, dù bác sĩ có tài giỏi đến đâu.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/tu-chi-cua-nam-thanh-nien-nhu-bi-dien-giat-sau-khi-thay-lang-nan-bop-d15718.html