Từ 'chảo lửa' trở thành 'thủ phủ' điện mặt trời

Vùng đất Krông Pa xa xôi của tỉnh Gia Lai bấy lâu nay ví như 'chảo lửa' bởi cái nắng quanh năm, sự khô cằn khiến vùng đất này trở thành nơi khó khăn nhất của cả tỉnh. Ấy vậy, vùng đất này đang vươn mình trỗi dậy khi hàng loạt dự án điện mặt trời đã và đang mọc lên từ vùng khô khát này.

Vùng đất Krông Pa xa xôi của tỉnh Gia Lai bấy lâu nay ví như “chảo lửa” bởi cái nắng quanh năm, sự khô cằn khiến vùng đất này trở thành nơi khó khăn nhất của cả tỉnh. Ấy vậy, vùng đất này đang vươn mình trỗi dậy khi hàng loạt dự án điện mặt trời đã và đang mọc lên từ vùng khô khát này.

Vùng đất “chảo lửa” Krông Pa đang trở thành “thủ phủ” điện mặt trời.

Vùng đất “chảo lửa” Krông Pa đang trở thành “thủ phủ” điện mặt trời.

Cách TP Pleiku hơn 130km, nằm bên Quốc lộ 25 từ Gia Lai đi Phú Yên, dự án điện mặt trời Krông Pa (xã Chư Gu, H. Krông Pa, Gia Lai) đang gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng, đảm bảo sẽ hòa vào lưới điện quốc gia vào ngày 5-11 này. Từ xa, cả một vùng đồi trước đây toàn đá sỏi và cỏ dại giờ là công trường tấp nập, những tấm pin năng lượng mặt trời trải dài trên cả sườn đồi. Bên cạnh đó, những hạng mục khác cũng đang dần mọc lên trên vùng đất khô cằn này.

Dự án do Cty CP Điện Gia Lai (GEC) thành viên của Tập đoàn TTC triển khai với việc ký kết hợp đồng EPC (thiết kế – cung cấp – lắp đặt) với Cty TNHH JGC Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những nhà máy sản xuất điện mặt trời lớn nhất Việt Nam có công suất vào khoảng 49MW (AC) với sản lượng điện trung bình khoảng 103 triệu kWh/năm với doanh thu trung bình 200 tỷ đồng/năm. Ông Trần Danh Bảo, Phó Ban thường trực Ban quản lý Dự án Điện mặt trời Krông Pa cho biết: dự án có toàn bộ gần 7.000 khung lắp với hơn 209.000 tấm pin mặt trời (loại 330 Wp) được xây dựng mới hoàn toàn trên khu vực đất đồi không canh tác rộng 70,23 ha thuộc địa bàn xã Chư Gu. Công trình được khởi công vào tháng 3-2018, đến nay, 95% những tấm pin năng lượng mặt trời đã lắp đặt xong. “Việc đền bù, giải phóng mặt bằng chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi với sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như của người dân. Bởi khu vực này khô cằn, sản xuất không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã đào tạo, sử dụng những người dân địa phương có phần đất thu hồi phục vụ dự án vào làm công nhân tại đây”, ông Bảo cho biết thêm.

Dẫn chúng tôi tận công trường, nơi hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên đang tất bật hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, ông Trần Danh Bảo không giấu được niềm tự hào bởi đây không chỉ là dự án điện mặt trời đầu tiên ở Gia Lai mà đây còn là một trong những dự án về điện mặt trời lớn của cả nước. Không những thế, chủ dự án còn tiến hành xây dựng các hạng mục khác nhằm “biến” nơi đây thành khu tham quan, du lịch của tỉnh Gia Lai.

Theo đánh giá của các chuyên môn, Krông Pa dù bấy lâu nay được mệnh danh là vùng đất “chảo lửa” khi cái nắng gần như thường trực ở đây. Cái khó khăn, khắc nghiệt ấy giờ trở thành tiềm năng lớn đối với các nhà đầu tư về điện mặt trời. Bởi nơi đây, có độ cao từ 125-190m so với mực nước biển và bao bọc xung quanh rất nhiều dãy núi cao, khuất gió và nơi này trở thành khu vực có nhiệt độ khá cao với nhiệt độ trung bình năm là 250C. Cá biệt, có những ngày trong những tháng nóng, nhiệt độ lên đến 400C và thời gian nắng khoảng hơn 2.300 giờ/năm. Ông Tạ Chí Khanh, Phó Chủ tịch UBND H. Krông Pa đánh giá: “Chính vì nguồn năng lượng từ mặt trời ở đây rất cao nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện. Cho đến giờ này, đã có 17 DN đến khảo sát tại 19 địa điểm để xây dựng các nhà máy điện mặt trời”.

Hiện đã có 2 nhà máy điện mặt trời được Bộ Công thương bổ sung đưa vào danh mục quy hoạch điện lực tỉnh Gia Lai đến năm 2020, 1 cái đang thi công và 1 cái đang giải phóng mặt bằng cùng các dự án khác đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công thương cũng như đang khảo sát lập dự án. Đồng thời, ông Khanh cũng cho biết thêm, những diện tích mà chuyển đổi phục vụ dự án đa phần là những vùng đất cằn cỗi, sản xuất đạt hiệu quả thấp. “Đây là tiềm năng lớn góp phần phát triển năng lượng tái tạo chung của quốc gia và cũng là tiền đề để một huyện nông nghiệp như Krông Pa chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ việc giảm giá trị của ngành nông nghiệp, tăng giá trị ngành công nghiệp trong giai đoạn tới”, ông Khanh vui mừng nói.

Dự án điện mặt trời Krông Pa đang hoàn thiện những bước cuối cùng để chuẩn bị hòa vào lưới điện Quốc gia vào tháng 11-2018.

Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai là một trong những tỉnh tiên phong triển khai các dự án khai thác năng lượng sạch, trong đó có các dự án điện mặt trời. Ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các dự án năng lượng sạch, tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, như: giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng... Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Các nhà đầu tư vào nhanh và nhiều và quyết liệt là do nhiều yếu tố, trong đó có việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh cũng như sự giúp đỡ của chính quyền các cấp cho các nhà đầu tư. Hiện nay chúng tôi đồng hành với doanh nghiệp trong nhiều bước, có những bước chúng tôi làm giúp cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian khi triển khai dự án tại đây”.

Có thể thấy, việc khai thác năng lượng mặt trời để sản xuất điện phục vụ cuộc sống ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Đây là giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm năng lượng hóa thạch, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, từ những vùng đất khô cằn, khó canh tác giờ đang dần hồi sinh phát huy được hiệu quả kinh tế từ những dự án này, phục vụ sự nghiệp phát triển của địa phương trong thời đại mới.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_196616_tu-chao-lua-tro-thanh-thu-phu-dien-mat-troi.aspx