Từ câu chuyện 'Ruộng nhà mình'

Mới đây, tại TP Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp một số đơn vị trong ngành nông nghiệp ra mắt thương hiệu 'Ruộng nhà mình'.

Đây là kênh phân phối nông sản được ấp ủ từ ý tưởng của các chuyên gia, doanh nghiệp và được đầu tư bài bản trên cơ sở hợp tác của nhiều đơn vị gồm: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Công ty cổ phần Chuỗi nông sản Thực phẩm Việt, Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp, Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội… Với lực lượng tham gia hùng hậu, thương hiệu “Ruộng nhà mình” được kỳ vọng sẽ trở thành kênh phân phối nông sản, thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, với sự giám sát của các đơn vị quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đẩy lùi các loại nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, từ đó tạo động lực khích lệ người nông dân sản xuất an toàn, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân sẽ phải sản xuất theo quy trình an toàn và được thương hiệu “Ruộng nhà mình” hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xúc tiến thương mại, qua đó giúp gia tăng thu nhập từ 15 đến 25%. Đối với người tiêu dùng, sẽ được sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, nhanh chóng, tiện lợi, tin cậy với giá thấp hơn khoảng 15% so với các sản phẩm cùng loại đang bán tại các kênh bán lẻ trên thị trường hiện nay…

Tham vọng của “Ruộng nhà mình” là đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn của người Việt. Ngay từ cách đặt tên thương hiệu đã tạo cho người tiêu dùng cảm giác như những mớ rau, con gà, con cá… mua từ cửa hàng được làm ra từ chính mảnh ruộng của nhà mình, cho nên có thể yên tâm về chất lượng. Tuy nhiên, chứng kiến tận mắt “thực đơn” của “Ruộng nhà mình” tại lễ ra mắt có thể thấy những sản phẩm được bán ra còn khá nghèo nàn, khi mới chỉ phân phối một số sản phẩm như: hàu sữa, ngao hai cùi, tu hài của vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh); Chè Shan Tuyết của Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái); xoài cát của Hòa Lộc (Đồng Tháp); gạo ST24 (đồng bằng sông Cửu Long); tôm càng xanh (Kiên Giang); cá sông Đà (Hòa Bình); gà đồi Yên Thế (Bắc Giang).

Mặc dù vậy, với cách thức tổ chức sản xuất theo chuỗi và mô hình phân phối theo phương thức của thương hiệu này vẫn là cách làm hay. Người tiêu dùng có quyền hy vọng, trước mắt, tất cả các sản phẩm mang thương hiệu “Ruộng nhà mình” đều bảo đảm chất lượng, từng bước xóa bỏ quan niệm “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Trong giai đoạn 2018-2019, “Ruộng nhà mình” sẽ phát triển hệ thống phân phối tại 12 quận nội thành Hà Nội. Người tiêu dùng có thể hy vọng thương hiệu “Ruộng nhà mình” có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, với chất lượng được nâng cao cũng như sự đa dạng hơn về sản phẩm để đấu tranh với vấn nạn thực phẩm bẩn.

MINH HUỆ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38036702-tu-cau-chuyen-%E2%80%9Cruong-nha-minh%E2%80%9D.html