Từ cậu bé mồ côi, ốm yếu đến thiên tài Isaac Newton

Sinh ra không may mắn, mồ côi cha từ nhỏ, ốm yếu, đi học thường xuyên bị bạn đánh, Newton đã vươn lên thành thiên tài của nhân loại nhờ say mê khoa học.

Một buổi sáng trên đường đến trường, Isaac Newton (1643-1727) quan sát thấy cái bóng của mình rất dài, đến trưa thì ngắn lại, còn buổi chiều lại đổi hướng và dài ra. Sau một thời gian suy ngẫm, cậu bé phát hiện ra rằng: Bóng người là do ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống. Mặt Trời lại luôn thay đổi vị trí nên cái bóng cũng thay đổi theo.

Bóng mình chạy phía trước, quả táo rơi trúng đầu

Từ hiện tượng quan sát được, về nhà, Newton làm ngay một chiếc đồng hồ Mặt Trời, đó là dụng cụ đo thời gian dựa vào bóng nắng. Cậu bé còn hướng dẫn bà ngoại cách xem giờ. Chỉ vào vạch trên chiếc đồng hồ, Newton nói với bà: "Khi bóng đổ xuống đây, bà có thể biết là cháu đã tan học".

Ngôi làng Newton sống có một chiếc cối xay gió rất lớn, mọi người trong vùng thường mang lúa mạch đến đây để xay. Mỗi lần đi học về, Newton đều dừng lại rất lâu và chăm chú quan sát chuyển động của chiếc cối xay.

Về nhà, Newton làm một cái mô phỏng. Một hôm, cậu rủ các bạn tới nhà xem, chiếc cối xay mình mới làm. Sản phẩm đó đã khiến các bạn rất ngạc nhiên và thích thú.

Chân dung Isaac Newton. Ảnh: Biography.

Chiếc cối không có những cánh dài để chạy bằng sức gió, không có guồng quay bằng dòng nước chảy và cũng không có người kéo, nhưng nó vẫn quay đều. Các bạn của Newton đi từ ngạc nhiên đến thán phục khi biết nam sinh đã rất khéo léo giấu những con chuột tạo nên chuyển động của chiếc cối xay.

Vào một ngày mùa thu, khi Newton đang ngồi đọc sách dưới tán lá rộng của cây táo, đột nhiên, một quả táo rơi trúng đầu ông. Newton xoa đầu, nhìn quả táo rơi xuống đất và suy nghĩ miên man: Tại sao quả táo chín lại rơi xuống đất? Tại gió thổi chăng? Không phải. Khoảng không rộng mênh mông, tại sao quả táo lại rơi xuống đất mà không bay lên trời? Trái Đất có cái gì hút nó chăng?

Từ hiện tượng trên, Newton đã tìm được cách lý giải bằng định luật Vạn vật hấp dẫn, từ đó sáng lập ra bộ môn Cơ học thiên thể. Cũng trong thời gian này, ông còn khai sinh ra phép tính vi phân và tích phân, khám phá ra bí mật quang phổ của ánh sáng trắng.

Cậu bé mồ côi, yếu ớt, luôn bị bạn đánh

Isaac Newton sinh ra trong gia đình nông dân ở Anh. Theo sách "Kể chuyện danh nhân thế giới", cậu bé này mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ và được sinh ra yếu ớt, quặt quẹo đến nỗi người ta tin rằng cậu không thể sống được. Năm lên 3 tuổi, Newton phải sống với bà ngoại khi mẹ đi lấy chồng khác.

Cuộc sống quạnh hiu cùng bà trong ngôi nhà bằng đá xám khiến Newton, với bản tính thầm lặng vốn có, càng trở nên lặng lẽ hơn và già trước tuổi.

Từ nhỏ, Newton đã thích thú với các môn thủ công và tỏ ra là người rất khéo tay. Cậu thường dành tiền bà ngoại cho để mua dùi, đục, búa rồi suốt ngày loay hoay làm đồ chơi.

Năm 12 tuổi, Newton vào học trường trung học Granham. Vốn người yếu ớt, cậu thường bị bạn bè bắt nạt, có lần còn bị đấm vào bụng đến ngất đi. Newton đã quyết tâm trả thù bằng cách học thật giỏi để đứng đầu lớp. Từ đó, cậu bé trở thành học sinh xuất sắc, được các bạn mến phục.

Newton và quả táo kinh điển. Ảnh: Getty.

Năm 17 tuổi, Newton tốt nghiệp trung học. Năm 1665, ông tốt nghiệp xuất sắc Đại học Cambridge, được giữ lại làm giảng viên quang học và hướng dẫn thực nghiệm tại trường.

Thời gian này, nạn dịch hạch xảy ra ở London, Newton phải về lánh nạn ở quê nhà Woolsthorpe 2 năm. Đây chính là quảng thời gian ông làm việc cật lực, thực hiện những dự định nung nấu suốt những năm học đại học và cho ra đời nhiều phát kiến quan trọng với loài người.

Khi trường Cambridge hoạt động trở lại, ông lại được mời làm giảng viên. Ông vừa làm công tác giảng dạy, vừa nghiên cứu và phát minh ra kính viễn vọng phản xạ, cung cấp cho các nhà thiên văn công cụ quan sát bầu trời tốt hơn hẳn. Đến năm 1672, ông được bầu vào Hội đồng Khoa học Hoàng gia và trở thành chủ tịch hội đồng năm 58 tuổi.

Từ năm 1684 đến 1688, ông hoàn thành tác phẩm "Những nguyên lý toán học của triết học", tổng kết những thành tựu khoa học tự nhiên ở thế kỷ 17. Tác phẩm được xem là cuốn từ điển bách khoa của vật lý và toán học, tạo nền tảng quan trọng nhất cho vật lý của mọi thời đại, giúp tiếng tăm của ông vang danh trên toàn thế giới.

Sở dĩ Newton đạt được những thành tựu rực rỡ đó là nhờ ông có niềm say mê với khoa học, khả năng tập trung cao độ vào các nghiên cứu của ông. Khi làm việc, ông thường quên hết mọi việc xung quanh.

Có lần, Newton mời bạn đến nhà ăn cơm nhưng ông mải làm việc trong phòng thí nghiệm, biết tính Newton, bạn ông ăn trước. Mãi sau ông mới bước ra khỏi phòng, mồ hôi nhễ nhại, vội vàng xin lỗi bạn và đi tới bàn ăn. Nhìn thấy bát đũa trong mâm, ông vò đầu cười nói: "Ôi, thì ra tôi ăn rồi, vậy mà cứ tưởng là mình chưa ăn".

Một lần khác, đang luộc trứng, đầu ông chợt nghĩ tới khoa học, thế là quên luôn việc mình đang làm, tiện tay thả chiếc đồng hồ của mình vào nồi luộc trứng mà không hề hay biết.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu táo không rơi trúng đầu Newton? Tương truyền nhà Vật lý Newton đưa ra định luật "Vạn vật hấp dẫn" sau khi bị táo rơi trúng đầu. Nếu quả táo đó rơi chỗ khác, liệu người học có đỡ vất vả?

Nguyễn Thanh Điệp
Nguồn: Sách Kể chuyện danh nhân thế giới

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-cau-be-mo-coi-om-yeu-den-thien-tai-isaac-newton-post891313.html