Từ các vụ bạo lực học đường: Cần xem lại vấn đề 'dân chủ' trường học

Từ một số vụ bạo lực học đường gây chấn động gần đây, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục cho rằng, cần xem lại vấn đề 'dân chủ' trường học. Giáo dục nước ta, rõ ràng đang mắc phải khuyết điểm lớn, đó là giáo dục quyền uy, áp đặt.

Khi thầy cô là trên hết!

Phát biểu tại buổi tọa đàm về vấn nạn bạo lực học đường do báo Tiền Phong tổ chức chiều nay (11/4), TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, cho rằng một số vụ bạo lực gây chấn động thời gian qua có liên quan trực tiếp đến vấn đề dân chủ trong trường học.

Rõ ràng điều này đang có vấn đề khi giáo viên tiểu học ở Hải Phòng tự cho mình quyền được hành hạ học sinh bằng nước giặt giẻ lau bảng, hay nữ giáo viên ở TPHCM tự cho phép bản thân “im lặng” với học sinh như một hình phạt đáng sợ, một sự bạo hành tinh thần nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai.

Học sinh lớp 3 bị ép uống nước giặt giẻ lau bảng là điển hình của việc giáo viên cho mình là trên hết, quyền uy với học sinh. Ảnh: Nguồn VTC News

“Điều này phản ánh một quy luật, hiện trạng. Giáo dục chúng ta đang mắc phải khiếm khuyết lớn, đó là giáo dục quyền uy, áp đặt, thầy cô trên hết, không quan tâm nhiều đến tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Thầy cô áp đặt quá nhiều vào học sinh, tự cho phép mình có quyền được làm như thế với học sinh”, ông Lâm nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Phải chấm dứt tình trạng này mới có thể hy vọng. Tôi đồng ý phải nâng cao dân chủ trong nhà trường. Bởi chính nhà trường, các nhà quản lý giáo dục chưa đem dân chủ vào đời sống thực. Chúng ta cứ nghe học sinh nhưng lại để đó, không giải quyết ngay".

Vấn đề này được bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đồng tình khi cho rằng, một số vụ bạo lực học đường gần đây dường như có mẫu số chung, đó là đều xuất phát từ sự ứng xử thiếu chuẩn mực của phụ huynh học sinh, ứng xử thiếu chuẩn mực của thầy cô giáo. Những sự việc đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nghề giáo.

“Theo tôi, điều đó xuất phát từ việc thiếu sự dân chủ trong nhà trường. Như vụ em Song Toàn ở TPHCM, nếu có sự trao đổi, giải quyết kịp thời sẽ không dẫn đến chuyện đáng tiếc. Tôi đồng ý với ý kiến của thầy Tùng Lâm là trong trường học chưa phát huy hết được vai trò tự chủ, dân chủ”, bà Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, các vụ bạo lực gần đây cho thấy chức năng quản lý của hiệu trưởng có vấn đề. Tuy nhiên, điều mà ông Thành cảm thấy băn khoăn nhiều hơn chính là thầy cô làm gì trong các hoạt động chuyên môn?

“Các thầy cô cần phải có sự chia sẻ trong việc tổ chức hoạt động chuyên môn. Như cô giáo im lặng suốt 3 tháng, tại sao các thầy cô trong tổ bộ môn không biết, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn để làm gì? Cả giáo viên, và cả phụ huynh nữa, dường như chưa quan tâm đến sự phát triển tích cực của học sinh về tâm lý, mà chỉ quan tâm đến việc học trò mình, con mình có giải được bài này, có hiểu được bài kia không”, ông Thành nhìn nhận

Dân chủ cần bắt đầu từ việc tuyển dụng

Trao đổi tại tọa đàm, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận, để giải quyết vấn đề dân chủ trong nhà trường, cần có những giải pháp sâu xa, giải quyết căn cư bản chất của vấn đề để tháo gỡ.

Theo bà Minh, sự chủ động trong công tác quản lý phải đề cao hơn. Trong đó, vai trò, sự tự chủ của nhà trường được thể hiện ở cả vấn đề dân sự và tự chủ trong vấn đề tuyển dụng nhưng thực tế có đáp ứng được vấn này hay không.

Vấn đề tuyển dụng được đặt trong mối tương quan với yếu tố dân chủ trong nhà trường - theo bà Ngô Thị Minh. Ảnh: Tiền Phong

“Rất nhiều vấn đề chúng ta tháo gỡ chưa đến nơi đến chốn, như giải quyết đến tận cùng của vấn đề. Phải giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường, trong đó có ứng xử của học sinh, ứng xử của phụ huynh, ứng xử của nhà trường và quan trọng là sự phối hợp của nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục”, bà Minh nói.

Đồng tình với điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, nhà trường phải có dân chủ, tự chủ, để nhà trường được phép tự chọn lấy giáo viên, các nhà quản lý trong nhà trường. Hiệu trưởng trước khi là nhà quản lý phải là nhà giáo dục, nhà sư phạm.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, xây dựng môi trường dân chủ thực sự trong nhà trường để giảm tải quyền uy của thầy cô, nhất thiết cần có sự hỗ trợ của phụ huynh, không nóng vội. Vấn đề là phải tổ chức để các em bày tỏ tâm tư nguyện vọng nhưng phụ huynh lại chỉ tập trung vào việc con có học giỏi hay không, cho rằng các buổi giao lưu không mang lại hiệu quả, ảnh hưởng đến việc học.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tu-cac-vu-bao-luc-hoc-duong-can-xem-lai-van-de-dan-chu-truong-hoc-post40967.html