Tự bốc thuốc về uống, người phụ nữ hôn mê vì hạ natri máu

Hạ natri máu là bệnh lý nguy hiểm, người bệnh có thể có các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn, sợ nước. Trường hợp bệnh nhân nặng hơn là mệt mỏi, đau đầu, mê sảng, hôn mê...

Ths.Bs. Nguyễn Minh Nguyên - Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân C. (nữ, 48 tuổi) vào viện vì hôn mê. Khoảng 1 tháng trước, thấy người mệt mỏi tăng dần, chị C. tự đi bốc thuốc uống. 3 ngày nay xuất hiện nôn nhiều, li bì, được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, xét nghiệm hóa sinh ở tuyến ban đầu có natri = 103 và Clo = 78.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khai thác kĩ tiền sử được biết khi sinh con lần thứ 3, chị C. có tình trạng chảy máu sau sinh và phải truyền máu, trẻ ăn sữa ngoài hoàn toàn do mẹ không có sữa và sau đó mãn kinh sớm ở tuổi 25.

Khám lâm sàng có các dấu hiệu điển hình: rụng lông mày, nách, mu, gương mặt vô cảm, tuyến vú teo… nên đưa ra chẩn đoán theo dõi hội chứng Sheehan (suy tuyến yên). Điều trị tại viện sau 1 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, vận động đáp ứng trả lời đúng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thạc sĩ Nguyên, hạ natri máu xảy ra khi nồng độ natri trong máu thấp hơn ngưỡng bình thường 135 - 145 mEq/L. Natri có vai trò giúp duy trì huyết áp bình thường, hỗ trợ hoạt động của các dây thần kinh, cơ bắp và điều chỉnh cân bằng lượng nước trong và ngoài tế bào.

Hạ natri máu là tình trạng phổ biến thường gặp trên lâm sàng, có nhiều nguyên nhân gây hạ natri máu, dựa vào áp lực thẩm thấu máu (mức bình thường 275 - 290 mOsmol/l) như trong trường hợp tăng lipit máu, tăng protein máu, tăng đường máu, truyền mannitol. Hạ natri máu có thể tích dịch ngoại bào tăng trong suy tim, xơ gan cổ chướng, hội chứng thận hư mất protein.

Hạ natri máu với thể tích dịch ngoại bào bình thường do pha loãng gặp trong hội chứng tiết ADH không thỏa đáng trong các bệnh cận ung thư, bệnh lí thần kinh trung ương: sau đột quỵ não, viêm não hoặc suy giáp, suy vỏ thượng thận và dùng lợi tiểu nhóm thiazid.

Các triệu chứng cơ năng thường gặp: chán ăn, buồn nôn, nôn, sợ nước. Nặng hơn là mệt mỏi, đau đầu, lẫn lộn, u ám, mê sảng, rối loạn ý thức, hôn mê, cơn co giật. Các triệu chứng của tăng thể tích nước ngoài tế bào (phù, cổ chướng) hoặc mất nước ngoài tế bào (giảm cân, da khô, nhăn nheo,…) kèm theo có giá trị để chẩn đoán nguyên nhân.

Những người có nguy cơ hạ natri máu đó là người bị bệnh mạn tính: suy thận, suy tim, xơ gan…, các bệnh nhân có tình trạng mất dịch cấp: nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, say nóng,…, các bệnh nhân điều trị các thuốc lợi niệu. Các bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến tuyến hocmon trong cơ thể.

Hạ natri máu nằm trong nhiều bệnh cảnh và bệnh nhân thường trong tình trạng không điển hình hoặc tình cờ đi khám phát hiện. Do đó, kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tổng quát là cần thiết, đặc biệt những người có bệnh mạn tính hoặc điều trị nhiều thuốc.

Với những người nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần có thể bù dịch và điện giải qua chế phẩm oresol là giải pháp an toàn.

Khi có các biểu hiện lâm sàng như mất nước hoặc triệu chứng nặng như ảnh hưởng đến ý thức nên lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/cssk-nhan-dan/25-tuoi-da-man-kinh-thay-met-met-di-boc-thuoc-ve-uong-257938.html