Từ bỏ tên tiếng Anh – quyết tâm gìn giữ nguồn gốc của người Mỹ gốc Á

Nhiều người Mỹ gốc Á đang thể hiện sự tự hào về nguồn gốc của mình khi quyết tâm sử dụng tên châu Á, thay vì những cái tên được 'Anh ngữ hóa'.

Một con người, hai cái tên

Giống như nhiều người Mỹ gốc Á khác, Tshab Her, 29 tuổi, người gốc Mong, đã luôn dùng thay đổi giữa hai cái tên: tên châu Á của cô và tên tiếng Anh là Jennifer.

Jennifer, tên hợp pháp trên giấy tờ, là cái tên cô sử dụng khi đi học và đi làm. Còn tên Tshab, có nghĩa là “mới mẻ” trong tiếng Mong, là tên gia đình và bạn bè thân thiết gọi cô trong cộng đồng nhỏ của họ ở thành phố Aurora, bang Illinois.

“Khi tôi sử dụng tên Jennifer, tôi cảm thấy như mình đang sống một cuộc sống khác với cuộc sống mà tôi mong muốn với cái tên Tshab”, Her nói.

Tshab Her và một tác phẩm thêu dòng chữ: “Tên tôi là Tshab, nhưng séc sẽ chi trả cho Jennifer Her”. Ảnh: CNN

Tshab Her và một tác phẩm thêu dòng chữ: “Tên tôi là Tshab, nhưng séc sẽ chi trả cho Jennifer Her”. Ảnh: CNN

Việc người Mỹ gốc Á sử dụng tên tiếng Anh đã có một lịch sử lâu dài. Họ có thể chọn những cái tên phổ biến như John hoặc Jennifer, hay thay đổi cách phát âm hoặc cách viết của tên gốc để phù hợp hơn với người nói tiếng Anh. Phong tục này rất phổ biến vào thế kỷ 19, một phần do nỗi sợ hãi khi đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và bài ngoại gay gắt tại Mỹ.

Sau khi cân nhắc, Tshab Her đã quyết định bỏ tên Jennifer và sử dụng tên Tshab khi cô bắt đầu học đại học. Cô cảm thấy tên Tshab tạo động lực cho cô và như một sự khẳng định về di sản, ngôn ngữ của người Mong, cũng như hành trình đến Mỹ của cha mẹ cô vào những năm 1970 và 1980.

Là một nghệ sĩ, Her còn có một tác phẩm thêu dòng chữ: “Nó (tên cô) được phát âm là Cha”, trong khi một tác phẩm khác thêu chữ: “Tên tôi là Tshab, nhưng séc sẽ chi trả cho Jennifer Her”.

Dùng tên tiếng Anh để tránh bị phân biệt chủng tộc

Theo Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS), người Mỹ gốc Á đã sử dụng tên tiếng Anh kể từ làn sóng nhập cư lớn đầu tiên vào cuối những năm 1800 và vào thế kỷ 20.

Lý do cơ bản nhất về việc người Mỹ gốc Á chuyển tên sang tiếng Anh đó là sự thuận tiện. Những người nói tiếng Anh thường gặp khó khăn khi phát âm hoặc đánh vần những tên không phải tiếng Anh, và đối với nhiều người nhập cư, việc chọn một cái “tên Mỹ” mới sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp là người nhập cư cảm thấy một cái tên tiếng Anh sẽ thu hút khách hàng hơn.

“Có rất nhiều lý do, về mặt chính trị và mặt thực tế, để lấy một cái tên mới”, Marian Smith, cựu sử gia của USCIS, viết trong một bài luận năm 2005.

Theo CNN, những người nhập cư không thể tưởng tượng được những thực tế đen tối phải đối mặt khi theo đuổi “Giấc mơ Mỹ”. Những người châu Á ở Mỹ thường bị bóc lột và phân biệt đối xử ngay từ khi họ mới đến.

Thời gian đầu tại Mỹ, những người nhập cư Trung Quốc thường bị đám đông bao vây. Làn sống chống người Trung Quốc mạnh mẽ đến mức Mỹ đã cấm tất cả những người nhập cư từ Trung Quốc từ năm 1882-1943. Nguồn gốc của tư tưởng chống lại người châu Á ở Mỹ có thể được bắt nguồn từ khái niệm “hiểm họa da vàng” và Đạo luật bài trừ người Trung Quốc, coi những người nhập cư châu Á là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia vào những năm 1880.

Theo một bài báo năm 1999 trên tạp chí Names, ngày càng nhiều người Mỹ gốc Nhật thay đổi tên trong thời chiến để “chứng minh lòng yêu nước và để khẳng định bản sắc Mỹ”. Chẳng hạn, tên Makoto chuyển thành Mac và Isamu rút gọn thành Sam.

Catherine Ceniza Choy, Giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á và người châu Á tại Đại học California, Berkeley cho biết, người châu Á trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 phần lớn được cho là “kỳ lạ, kém cỏi và thiếu văn minh”. Vào thời điểm đó, mong muốn hòa nhập của họ nhằm mục đích để tồn tại trong một xã hội phân biệt chủng tộc nhằm vào “sự khác biệt châu Á”.

Trong giai đoạn từ năm 1900-1930, khoảng 86% bé trai và 93% bé gái sinh ra từ những người nhập cư (thuộc mọi nguồn gốc, không chỉ riêng người châu Á), có “tên Mỹ”, theo số liệu điều tra dân số Mỹ được phân tích trên tạp chí Kinh tế Lao động.

Theo CNN, vào thời điểm hiện tại, sau một thế kỷ, các thành viên của thế hệ thứ ba hoặc thứ tư trong gia đình người nhập cư đều không còn một cái tên châu Á.

Cái giá phải trả cho việc “hy sinh” một cái tên

Những căng thẳng về phân biệt chủng tộc đã gia tăng kể từ đó. Những cái tên châu Á và không phải tiếng Anh bị coi là kỳ lạ, thậm chí bị chế giễu trong nhiều trường hợp.

Năm 2016, thống đốc bang Maine đã nói đùa về một người đàn ông Trung Quốc tên Chiu rằng, khi phát âm nó giống như tiếng hắt hơi.

Người Mỹ gốc Á vẫn tiếp tục đổi tên, nhiều người lấy lý do bởi các hình thức phân biệt đối xử đang diễn ra. Bennet, người bắt đầu sự nghiệp diễn xuất với vai Chloe Wang, đã lên tiếng về việc thay đổi họ của cô vào năm 2017.

“Việc thay đổi họ của tôi không làm thay đổi sự thật rằng, tôi mang một nửa dòng máu Trung Quốc, tôi sống ở Trung Quốc, nói tiếng Quan Thoại và tôi được nuôi dưỡng văn hóa của cả người Mỹ và Trung Quốc”, Bennet nói.

Kelly Marie Tran, nữ diễn viên bộ phim “Star Wars”, cũng đã lên tiếng về nỗi đau của sự đồng hóa. Kelly Marie Tran cho biết, khi lớn lên, những câu chuyện về phân biệt chủng tộc “khiến cha mẹ tôi cho rằng cần phải bỏ tên thật của họ và lấy những cái tên giống người Mỹ như Tony và Kay để người khác phát âm dễ dàng hơn. Kelly Marie Tran cho rằng, quyết định dùng tên tiếng Anh của gia đình cô là “sự xóa bỏ văn hóa”. Sau đó, cô tuyên bố trên tờ Thời báo New York: “Các bạn có thể biết đến tôi với cái tên Kelly, nhưng tên thật của tôi là Loan”.

Kelly Marie Tran, nữ diễn viên bộ phim “Star Wars” trên thảm đỏ ở London (Anh) vào ngày 18/12/2019. Ảnh: Getty Images

Theo CNN, tên không chỉ là một tập hợp các chữ cái và âm điệu, đối với người Mỹ gốc Á, những người thường kết hợp nhiều ngôn ngữ, nền văn hóa, một cái tên có thể bao hàm nhiều yếu tố khác nhau.

Tanaïs, 38 tuổi, một tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Bengali và là chủ sở hữu của một thương hiệu làm đẹp, sinh ra với tên Tanwi Nandini Islam.

Theo cha mẹ của Tanaïs, cái tên Tanwi Nandini Islam mang nhiều ý nghĩa. “Tanwi” có nhiều nghĩa khác nhau trong tiếng Phạn, bao gồm ý nghĩa là một ngọn cỏ. “Nandini” có nghĩa là con gái, và là tên khác của nữ thần Durga, và “Islam”, liên quan đến nền tảng Hồi giáo của gia đình, có nghĩa là hòa bình. Tanaïs là sự kết hợp của hai chữ cái đầu tiên của 3 chữ trong tên Tanwi Nandini Islam.

“Đây là cái tên chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa, nó rất mạnh mẽ”, cha mẹ Tanaïs nói.

Trong suốt thời thơ ấu của Tanaïs, không ai biết cách nói “Tanwi” hoặc cố gắng phát âm đúng. Giáo viên lớp một của Tanaïs đã nói rằng, “Tanwi” quá khó để phát âm và thay vào đó sử dụng tên Tony.

“Tôi đã phải làm Tony cả năm rồi. Tôi ghét nó, đó không phải là tên của tôi. Tôi cảm thấy bị nhầm lẫn giới tính vì cái tên này nghe giống như tên con trai”, Tanaïs nói.

Vô tình đọc sai tên của ai đó khi được giới thiệu có thể là một lỗi lầm vô tội. Nhưng cố tình loại bỏ tên của họ do nó quá lạ hay khó đọc, như giáo viên của Tanaïs đã làm, nhằm truyền đạt một thông điệp rằng: “Bạn không quan trọng, bạn không thuộc về nơi này”, Choy, Giáo sư của Đại học California cho biết.

“Việc phát âm sai hoặc viết sai chính tả tên của người châu Á, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân của một người. Tên phản ánh sự hiện diện của bạn, con người bạn, nguồn gốc của bạn. Khi mọi người liên tục loại bỏ tên của bạn nghĩa là họ không thừa nhận bạn với tư cách là một con người”, bà Choy nói.

Một cuộc khảo sát về học sinh dân tộc thiểu số, do các nhà nghiên cứu California thực hiện vào năm 2012, kết luận rằng, nhiều học sinh da màu đã gặp phải sự thiếu tôn trọng văn hóa trong giáo dục liên quan đến tên của chúng. Khi một đứa trẻ đến trường và tên của chúng bị phát âm sai hoặc bị thay đổi, điều này có thể phủ nhận tầm quan trọng của cái tên cũng như danh tính của đứa trẻ.

Diễn viên hài và nhà sản xuất Hasan Minhaj đã “chỉnh” Ellen DeGeneres ngay trong chương trình của anh về việc phát âm tên anh cho chính xác.

“Lần đầu tiên tôi đóng phim hài, mọi người thường nói, 'Bạn nên đổi tên đi’. Nhưng tôi sẽ không đổi tên của mình. Nếu bạn có thể phát âm tên của diễn viên Ansel Elgort, thì bạn có thể phát âm tên tôi Hasan Minhaj”, Minhaj nói.

Nỗ lực gìn giữ nguồn gốc của người Mỹ gốc Á

Tuy nhiên, việc người Mỹ gốc Á sử dụng tên tiếng Anh đã dần thay đổi.

Marian Smith, cựu sử gia của USCIS cho biết, số người sử dụng tên mới đã giảm vào cuối thế kỷ 20. Điều này một phần do sự xuất hiện của các hệ thống tự động, giống như những hệ thống được sử dụng để đăng ký giấy phép lái xe, chỉ sử dụng tên hợp pháp. Tuy nhiên, thay đổi về xã hội có thể là một yếu tố lớn hơn.

“Áp lực xã hội đối với việc đổi sang tên tiếng Anh cũng giảm bớt khi nhiều người Mỹ chấp nhận quan điểm đa văn hóa. Chúng ta nhận thấy sự thay đổi văn hóa trong cách mọi người phản ứng với các trường hợp phân biệt đối xử hoặc bài ngoại”, bà Smith cho biết.

Vụ xả súng tại Atlanta đã gióng lên hồi chuông về tình trạng bạo lực chống người châu Á ở Mỹ. Ảnh: CNN

Trong số 8 nạn nhân của vụ xả súng ở Atlanta vào tháng 3 vừa rồi, có 6 người là phụ nữ châu Á. Sau khi một số hãng tin đưa tên nạn nhân ở dạng rút gọn hoặc viết không chính xác, rất nhiều người gốc Á đã giận dữ và tỏ thái độ phản đối. “Hãy ngừng làm sai tên của các nạn nhân”, Michelle Kim, đồng sáng lập của Awaken, một tổ chức điều hành các hội thảo về sự đa dạng và hòa nhập viết trên Twitter. “Những chuyện này có thể chỉ là một chút bất tiện với mọi người. Nhưng những cái tên là bản sắc của chúng tôi. Là di sản của chúng tôi. Cái tên là những gì chúng tôi còn lại, để nhắc chúng tôi rằng mình là ai, mình đến từ đâu”, Michelle Kim cho biết thêm.

Một số quốc gia châu Á đã trở thành "những người chơi lớn" về chính trị và kinh tế trong những thập kỷ gần đây, và cũng đã sử dụng ảnh hưởng dưới hình thức quyền lực mềm. Chẳng hạn như Bollywood (ngành công nghiệp sản xuất phim tiếng Hindi có trụ sở tại Ấn Độ), K-pop (âm nhạc Hàn Quốc), anime (hoạt hình Nhật Bản) và các thể loại khác của văn hóa đại chúng châu Á, đã thu hút được nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới. Tại Mỹ, các chính sách nhập cư vào cuối thế kỷ 20 đã cho phép dân số người Mỹ gốc Á tăng theo cấp số nhân, Giáo sư Choy nói.

“Đó là một bối cảnh xã hội khác hẳn so với bối cảnh ở những thập niên 1950, 1960 và 1970”, bà Choy nói thêm.

Sự thay đổi này được phản ánh trong nhu cầu ngày càng tăng về sự đa dạng hơn trên hầu hết các lĩnh vực như giải trí, chính trị, ẩm thực, giáo dục và hơn thế nữa. Giới trẻ người Mỹ gốc Á ngày càng có nhiều nhận thức về những gì cha mẹ hoặc ông bà họ đã phải từ bỏ để tồn tại. “Một nhận thức rằng có sự mất mát di sản và văn hóa từ quê hương châu Á”, bà Choy nói.

Đối với một số người, nhận thức này có thể khơi dậy mong muốn lấy lại những gì đã mất. Chẳng hạn bằng cách học ngôn ngữ mẹ đẻ của cha mẹ hoặc ông bà. Những người khác có thể đến thăm họ hàng của họ để kết nối lại văn hóa.

Đối với Tshab, việc giữ lại cái tên Mong của mình đã trở thành một cách để khẳng định di sản. “Tôi chỉ muốn trở thành con người của tôi, tôi là Tshab, không phải Jennifer. Tôi không muốn mình quên đi rằng mình và gia đình mình đến từ đâu”, Tshab Her nói./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/tu-bo-ten-tieng-anh-quyet-tam-gin-giu-nguon-goc-cua-nguoi-my-goc-a-849236.vov