Từ bỏ làm hướng dẫn viên du lịch, người phụ nữ lui về góc bếp 'giữ hồn' bánh tráng truyền thống hơn 80 năm tuổi

Chưa từng hối hận vì đã từ bỏ làm hướng dẫn viên du lịch và lui về góc bếp, chị Châu còn vui vẻ chia sẻ, chỉ cần có người đến học nghề, nhất định chị sẽ 'truyền' lại mà không cần học phí.

Gắn bó với nghề làm bánh tráng gần 20 năm qua, chị Hồ Quế Châu (39 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) là một trong số ít hộ gia đình còn giữ được nghề làm bánh tráng truyền thống tại nơi vốn được cho là làng bánh tráng truyền thống.

Chị Châu quyết định từ bỏ việc trở thành hướng dẫn viên du lịch để quay trở lại góc bếp “giữ hồn” làng nghề làm bánh tráng truyền thống.

Chị Châu quyết định từ bỏ việc trở thành hướng dẫn viên du lịch để quay trở lại góc bếp “giữ hồn” làng nghề làm bánh tráng truyền thống.

Từng hai lần hoàn thành chương trình học ngành du lịch, chị Châu vẫn quyết định từ bỏ việc trở thành hướng dẫn viên du lịch mà quay trở lại góc bếp để “giữ hồn” làng nghề làm bánh tráng truyền thống.

Động tác làm bánh khéo léo nhanh nhẹn của chị Châu.

Chị Châu cho biết không biết nghề làm bánh tráng đã có từ bao giờ, chỉ biết khi chị sinh ra đã có. Gia đình chị trước kia cũng làm bánh tráng nhưng chị lại “học lỏm” nghề này từ hàng xóm. Với những nguyên liệu hết sức đơn giản như bột gạo, bột mì, muối và nước đã cho ra đời những chiếc bánh tráng giòn tan hay day day khi nhúng vào nước.

Nguyên liệu hết sức đơn giản như bột gạo, bột mì, muối và nước.

Chị Châu chia sẻ, hiện nay, tại nơi được mệnh danh là làng bánh tráng truyền thông khi xưa chỉ còn lại một ít hộ bám trụ với nghề bởi những lò bánh tráng công nghiệp ngày càng phát triển với quy trình làm bằng máy móc và sản xuất số lượng lớn khiến nhiều hộ gia đình đi theo. Tuy nhiên, với chị, nghề làm bánh tráng truyền thống như một phần “hồn” cần giữ gìn, chỉ cần có người đến học nghề, nhất định chị sẽ “truyền” lại mà không cần học phí.

Chị Châu vui vẻ chia sẻ về nghề làm bánh tráng truyền thống.

“Nghề này nói dư dả thì không có đâu, nhưng chắc chắn là đủ sống. Mấy đợt dịch Covid- 19 vừa rồi, chồng tôi không đi làm, chi phí sinh hoạt của cả gia đình phải trông vào việc tôi làm bánh tráng nhưng tôi vẫn sống khỏe”, chị Châu vui vẻ chia sẻ.

Mỗi ngày, chị Châu làm khoảng 10kg gạo, gạo dùng làm bánh do chính tay chị ngâm và xay, sau đó trộn thêm muối, bột mì theo tỉ lệ nhất định từ trước đến nay. Ngoài ra, chị còn làm rất nhiều loại bánh khác nhau như bánh để làm nem, bánh tráng gừng, bánh tráng mè,… để đáp ứng nhu cầu người dùng.

Chị cho biết, dù số lượng bánh chị làm ra có hạn, nhưng luôn được những người “ghiền” cái vị bánh tráng xưa đặt hàng mỗi ngày. Ngoài ra, “Làng bánh tráng” của riêng chị là nơi được rất nhiều khách tham quan, kể cả khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu về nghề làm bánh tráng truyền thống. Với vốn ngoại ngữ và hiểu biết trước kia khi theo học ngành du lịch, chị dễ dàng giao tiếp và giới thiệu cho các vị khách nước ngoài về nghề làm bánh tráng truyền thống này.

"Làng bánh tráng" của riêng chị Châu, nơi đón tiếp rất nhiều khách du lịch kể cả khách nước ngoài.

“Mấy người già trong khu này họ mê bánh tráng truyền thống lắm, cái vị bùi của bột gạo hòa với vị mặn của muối không lẫn vào đâu được”, chị Châu chia sẻ.

Để làm bánh tráng, người thợ dùng một cái gáo múc bột đổ lên trên một tấm vải được căng sẵn trên một cái miệng nồi có nước đang sôi bên trong. Sau đó dùng gáo dừa trải đều một lớp bột thật mỏng theo hình tròn. Động tác này phải khéo léo nhanh nhẹn, diễn ra chỉ trong vài dây. Bánh chín dùng một chiếc ống có bọc vải luồn rây, bánh gỡ ra trải lên một chiếc liếp được đan bằng tre sau đó mang ra phơi nắng.

Chồng chị Châu đang lấy bánh tráng đã phơi khô để đóng gói.

Có lẽ chính tình yêu, sự trân quý đối với thế hệ đi trước để lại đã ngấm vào tâm thức chị Châu khiến yêu và xem nghề tráng bánh như hơi thở cuộc sống cần giữ gìn và luôn tự hào khi nhắc về nó.

Ngọc Quyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/an/tu-bo-lam-huong-dan-vien-du-lich-nguoi-phu-nu-lui-ve-goc-bep-giu-hon-banh-trang-truyen-thong-hon-80-nam-tuoi-20201106021512025.htm