Tu bổ 'bức tử' đình làng cổ 300 tuổi

Câu chuyện 'chưa được trùng tu thì chết từ từ, khi được trùng tu thì chết ngay', như một nhà phê bình đã nhiều lần lên tiếng, lại một lần nữa đúng đối với trường hợp đình Lương Xá.

Ngôi đình cổ 300 tuổi với những mảng chạm, đầu kê tinh xảo đã bị thay thế bởi công trình bê tông cốt thép

Ngôi đình cổ 300 tuổi với những mảng chạm, đầu kê tinh xảo đã bị thay thế bởi công trình bê tông cốt thép

Đình cổ Lương Xá thuộc thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội được ghi nhận là “nạn nhân” mới của chuyện tu bổ, từ 300 tuổi xuống còn 1 tuổi! Ngôi đình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là công trình bê tông 5 gian đang trong quá trình hoàn thiện.

Xóa sổ một công trình kiến trúc cổ

Đình Lương Xá nằm trên con đường xuyên ngang làng. Bức tường bên tả đình xây sát con đường đi dọc qua cổng làng ra quốc lộ 21B. Tam quan với nghi môn gồm 4 trụ biểu, trên bức tường hai bên cửa phụ có đắp nổi đôi voi đứng. Ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm tuyệt đẹp, được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ. Việc ngôi đình vừa được phá đi để xây lại bằng kiến trúc bê tông đang gây ngạc nhiên và bức xúc trong dư luận.

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình tu bổ đình Liên Xá đang bước vào giai đoạn nước rút. Chỉ còn nghi môn biểu trụ vẫn giữ nguyên, những hạng mục chính là Đại bái, Hậu cung đã bị hạ giải hoàn toàn. Các kiện gỗ, chi tiết mảng chạm, hiện vật chất liệu gỗ được gỡ ra từ ngôi đình cũ đang nằm ngổn ngang tại sân và kho Nhà văn hóa thôn Lương Xá.

Giải thích về việc “tu bổ” kỳ lạ này, ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá, cho biết, năm 2001 đình Lương Xá bị xuống cấp, nhân dân trong thôn tu sửa và thay thế một số cấu kiện hoành, rui bằng gỗ bạch đàn. Đến năm 2017, đình tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, nhận thấy nếu không tu sửa có thể gây sập, nên dân làng đã tổ chức họp, thống nhất, nếu số gỗ còn tốt trên 70% sẽ xây dựng bằng gỗ, còn không sẽ xây bằng bê tông. Sau khi thống nhất, đình Lương Xá đã bị phá bỏ và xây dựng mới bằng bê tông, chủ đầu tư là thôn Lương Xá. Dự toán công trình lên tới 5 tỷ đồng, ngoài số tiền đóng góp của nhân dân là 1 tỷ đồng (mỗi nhân khẩu góp 800.000 đồng), số còn lại do hai cá nhân khác cung tiến.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình cho biết, ông bàng hoàng, thậm chí không thể tin vào mắt mình khi thấy đình Lương Xá bị hạ giải và tu bổ một cách bừa bãi và không tuân theo bất cứ quy định nào về bảo vệ di sản. Đình Lương Xá có tuổi đời 300 năm, là một trong những kiến trúc có giá trị nghệ thuật, chứa đựng tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam, giờ bị phá đi để thay thế bằng kiến trúc bê tông là việc làm không thể chấp nhận được.

Niêm phong các cấu kiện, đình chỉ thi công

Chia sẻ với báo chí, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết đã cử đoàn xuống kiểm tra hiện trạng tu bổ đình Lương Xá. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục trong di tích hoàn toàn sai quy định, chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. “Dù đình Lương Xá chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê cần được bảo vệ. Chính vì vậy, việc tu bổ vẫn phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Sở VH-TT Hà Nội. Tuy nhiên, đến lúc này tôi chưa nhận được văn bản xin ý kiến nào của địa phương”, ông Trương Minh Tiến cho biết.

Trao đổi về sự việc này, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, cho biết thêm mặc dù di tích này chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Ban hành kèm theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14-10-2016 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn Hà Nội đến ngày 31-12-2015). Di tích này do UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Liên Bạt quản lý theo phân cấp của thành phố. Được biết, xã Liên Bạt từng làm hồ sơ xin tu bổ di tích lên Phòng VH-TT huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, phòng yêu cầu đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ tu bổ di tích theo quy định. Trong khi hồ sơ chưa hoàn thiện, di tích đã bị các đơn vị tự ý hạ giải, xây mới.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội, ngay trong ngày 30-7, Sở VH-TT Hà Nội cũng ra quyết định đình chỉ thi công công trình, niêm phong các cấu kiện gỗ bị hạ giải chờ ý kiến đánh giá của các chuyên gia và các cơ quan chức năng. Sở VH-TT Hà Nội cũng đề nghị kiểm điểm xử lý rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong vụ việc xâm hại nghiêm trọng di tích này. Tuy nhiên, quyết định này cũng chỉ là thủ tục mang tính hành chính bởi lẽ tại thời điểm này, đình đã bị phá tan tành. Ngôi đình có tuổi đời hơn 300 năm nay đã biến mất và được thay thế bằng bê tông cốt thép trong một dự án xã hội hóa với dự toán chỉ là 5 tỷ đồng.

Câu chuyện “chưa được trùng tu thì chết từ từ, khi được trùng tu thì chết ngay”, như một nhà phê bình đã nhiều lần lên tiếng, lại một lần nữa đúng đối với trường hợp đình Lương Xá. Và với cách quản lý, bảo vệ di sản chồng chéo, lỏng lẻo như hiện nay, có lẽ hiện tượng này sẽ chưa kết thúc.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-bo-buc-tu-dinh-lang-co-300-tuoi-536254.html