Từ biểu tượng trụy lạc tới thời trang thượng lưu của hình xăm

Lịch sử ngành xăm thăng trầm y như trò tàu lượn, khi là nghệ thuật của giới thượng lưu, lúc gắn với tội phạm, khi là biểu tượng của yêu nước...

Một cuộc thăm dò tại Mỹ vào năm 2014 cho thấy khoảng 20% người dân có hình xăm. Giờ đây, hình xăm có mặt ở khắp nơi, trở thành môn nghệ thuật thân thể được khắp giới thượng lưu tới bình dân ưa chuộng.

Tuy vậy, trước khi trở thành thời trang phổ biến, hình xăm từng gắn với những băng đảng du đãng ngoài luồng. Cuốn sách Trăm năm hình xăm (tác giả David McComb, hình ảnh: Bettmann / Corbis) bao quát thăng trầm của lịch sử hình xăm.

Biểu hiện của man di, ô nhục

Thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, người ta coi xăm mình là hình thức man di. Những bộ tộc châu Âu thời đó như Thrace, Gaul, Pict bị người Hy Lạp và La Mã coi như mọi rợ.

Họ dị ứng với nghệ thuật thân thể tới mức dùng thứ hoa văn không thể xóa bỏ này vào mục đích trừng phạt. Những nô lệ, tù nhân cứng đầu bị họ xăm lên mặt để hạ nhục. Người La Mã gọi hình xăm là “stigma” (bắt nguồn từ động từ “stig” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “châm”, “chích”). Ngày nay, tiếng Anh vẫn tồn tại từ “stigma” với nghĩa là vết nhơ hoặc điều ô nhục.

 Sách Trăm năm hình xăm và ảnh cầu thủ David Beckham trong sách.

Sách Trăm năm hình xăm và ảnh cầu thủ David Beckham trong sách.

Hình xăm vẫn tiếp tục bị rẻ rúng. Đến năm 787, Giáo hoàng Hadrian I ra lệnh cấm xăm mình. Nghệ thuật xăm cổ đại được coi là hủ tục, dị giáo, dần đi vào bóng tối. Mặc cho các nước phương Tây kì thị, hình xăm vẫn được các bộ tộc ở Thái Bình Dương sử dụng. Trong những nghi lễ, họ vẫn xăm mình để đánh dấu những giai đoạn quan trọng trong đời.

Người Nga thế kỷ 17 cũng dùng hình xăm để trừng phạt. Chính quyền xăm lên mình tội phạm, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, phần tử chống đối xã hội. Đến thế kỷ 19, những tù nhân tự xăm lên mình. Chỉ những tù nhân bị tù trung thân, không trông mong ngày về mới tự xăm lên mặt mình. Nhiều tội phạm xăm lên ngón tay và những bộ phận dễ thấy để khoe khoang địa vị trong thế giới ngầm của mình.

Sau Chiến tranh thế giới II, quái xế, dân giang hồ ưa chuộng những hình xăm. Xăm hình lúc ấy được coi là sự nổi loạn, chống đối xã hội. Giai đoạn 1946-1969, các phòng xăm bị số đông xa lánh, mất hết thanh danh, bị xã hội đoan chính lên án.

Do những quái xế giang hồ, du đãng thành thị sử dụng những hình xăm trổ hầm hố, các công dân hiền lành tuân thủ pháp luật coi hình xăm là một biểu hiện lệch lạc.

Thịnh hành trong giới quý tộc xưa, thời trang cao cấp nay

Tuy phải đến những năm 1970, người ta mới có cái nhìn thay đổi toàn diện về nghệ thuật xăm, nhưng trước đó, hình xăm từng có những giai đoạn cực thịnh.

Một thời gian ngắn cuối thế kỷ 19, phong trào xăm mình trở nên thịnh hành trong giới quý tộc châu Âu. Những nghệ sĩ xăm mình người Anh thường có các khách hàng cao cấp.

Cuốn Hồi ức của một thợ xăm của nghệ nhân Burchett xuất bản năm 1958 cho thấy danh sách khách hàng của ông là những bậc danh gia đệ nhất như vua Tây Ban Nha Alfonso 13, vua Đan Mạch Frederick 9, vua Anh George 5…

Xăm hình cho binh lính. Ảnh chụp từ sách.

Các bậc vua chúa xăm mình khiến xã hội thượng lưu châu Âu cuồng xăm. 20% giới quý tộc Anh những năm 1898 có ít nhất một hình xăm trên người. Ngoài mong muốn bắt kịp xu hướng, giới thượng lưu thường xăm mình để kỷ niệm một chuyến viễn du đến miền đất lạ.

Trong Chiến tranh thế giới I, nhiều binh lính tham chiến ở nước ngoài. Họ xăm hình để tưởng nhớ người thân và lưu giữ kỷ niệm nơi xứ lạ, hình xăm đôi khi là bùa chú hộ thân. Binh lính hai bên đều xăm trổ ngay trên chiến trường. Với tân binh, xăm mình giữa chiến hào là một nghi thức nhập môn.

Trong hàng ngũ Hải quân Mỹ, hình xăm được đánh giá cao vì chỉ thủy thủ gạo cội mới xăm trổ nhiều. Đặc nhiệm hải quân Buchanan được nhiều đồng nghiệp trẻ hâm mộ vì anh có nhiều hình xăm trên người, mỗi hình đều kỷ niệm những hải cảng anh đã đi qua và những người phụ nữ anh chinh phục.

Trải qua thời kỳ hình xăm bị kì thị, từ thập niên 1960, văn hóa đối kháng nổi lên, hình xăm và những người xăm mình dần cắt đứt với tệ nạn xã hội. Lớp nghệ sĩ mới ra đời coi hình xăm là công cụ thể hiện bản thân. Điều đó làm thay đổi quan niệm về nghệ thuật thân thể.

Lady Gaga trong một màn trình diễn. Cô chỉ xăm các hình ở bên trái thân thể. Ảnh chụp từ sách.

Cuối thập niên 1970, hình xăm quay lại văn hóa đại chúng, xuất hiện trong những cộng đồng âm nhạc như punk, metal… Những video clip nhạc phát suốt ngày đêm trên kênh MTV cho thấy các ngôi sao pop, rock xuất hiện với hình xăm. Điều này xóa nhòa định kiến rằng chỉ tội phạm, du đãng mới xăm mình.

Nhân tài làng xăm cũng nở rộ, nhiều nghệ sĩ xuất thân từ trường mỹ thuật mang tới các thiết kế mới lạ.

Sự xuất hiện của Don Ed Hardy ở Mỹ đã giúp nghệ thuật xăm phương Tây thăng hoa. Là người theo học mỹ thuật, Hardy kết hợp kiến thức nghệ thuật chính quỹ với kinh nghiệm để tạo ra nhiều mẫu hình mới, độc đáo.

Với nhiều tín đồ xăm trổ, Ed Hardy là một thương hiệu thời trang, thống trị các khu mua sắm, những nơi sành điệu. Các ngôi sao như Kim Kardashian, Beyonce, Lindsay Lohan… đều mang hình xăm của ông.

Các ngôi sao như David Beckham, Angelina Jolie cũng xăm mình, giúp giới thiệu nghệ thuật xăm tới đại bộ phận công chúng sành điệu.

Nhiều đại hội xăm hình được tổ chức rầm rộ, kết nối hàng triệu người hâm mộ trên khắp năm châu, tạo cơ hội cho nghệ thuật thân thể giành lại vị trí trong nền văn hóa đại chúng.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-bieu-tuong-truy-lac-toi-thoi-trang-thuong-luu-cua-hinh-xam-post1063063.html