'Tứ bề thọ địch', lựa chọn nào cho Vinamilk?

Vinamilk đang gặp cạnh tranh gay gắt ở mảng sữa bột với sự vượt lên đáng chú ý của Nutifood, cùng áp lực từ nhiều đối thủ ngoại. Mảng sữa chua hiện cũng gặp khó với sự tham gia của IDP, TH Milk, Kido. Dù vậy, vị thế áp đảo ở mảng sữa nước – mảng đem lại non nửa doanh thu và lợi nhuận cho Vinamilk – vẫn sẽ được doanh nghiệp này duy trì nhờ lợi thế đặc biệt.

Lựa chọn nào cho Vinamilk trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, trong bối cảnh ngành sữa đang có tín hiệu bão hòa?

Lựa chọn nào cho Vinamilk trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, trong bối cảnh ngành sữa đang có tín hiệu bão hòa?

Theo báo cáo, HSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận trước thuế của Vinamilk sẽ tăng 6% trong năm 2018. Công ty chứng khoán này cho biết, có những tín hiệu ban đầu cho thấy ngành sữa tăng trưởng chậm trong quý I tiếp tục thể hiện trong đầu quý II.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, trong quý I/2018, doanh số ngành sữa Việt Nam giảm 4,4% ở khu vực thành thị và tăng 4% ở khu vực nông thôn. Doanh thu ngành sữa trong tháng 4 tiếp tục kém với doanh thu lũy kế 4 tháng đầu năm ở thành thị giảm 3,1% trong khi khu vực nông thôn tăng 3,1%.

“Hiện số liệu cho tháng 5 và tháng 6 chưa được công bố và chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn vì nhu cầu ở mảng sữa bột tiếp tục kém”, HSC nhận định.

Do nhu cầu trong ngành suy giảm nên HSC cho rằng doanh thu của Vinamilk trong quý II sẽ không tăng nhiều với mức tăng cùng kỳ, có thể chỉ dưới 5%.

Tuy nhiên, HSC vẫn kỳ vọng Vinamilk sẽ tiếp tục giành thêm thị phần nhờ thành công trong việc đưa nhiều sản phẩm ra thị trường kể từ năm ngoái ở mảng sữa nước, sữa bột, sữa chua uống và sữa đậu nành.

“Có vẻ sự khó khăn đặc biệt rơi vào mảng sữa bột (chủ yếu là sữa công thức) với nhiều đối thủ mới gia nhập ngành có thể sẽ giành thị phần từ tay các doanh nghiệp hiện hữu”, HSC cho hay.

Hiện thị trường sữa bột – chiếm khoảng 26% doanh thu và 28% lợi nhuận gộp của Vinamilk - đang cạnh tranh gay gắt.

Sữa bột chủ yếu là sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện Vinamilk dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 27%. Abbott đứng thứ 2 với 17% và tiếp theo là Friesland Campina với 12% thị phần.

Trong khi thị phần của cả Abbot và Friesland Campania (ở phân khúc cao cấp) vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong 3 năm qua thì Nutifood nổi lên thành một nguy cơ lớn đối với Vinamilk ở phân khúc bình dân.

“Thị phần của Nutifood đã tăng từ 10% trong năm 2014 lên khoảng 15% trong năm 2017. Nutifood có sản phẩm đa dạng và có giá thấp hơn 10-15% so với Vinamilk. Có vẻ như Nutifood sẵn sàng chấp nhận biên lợi nhuận thấp để giành lấy thị phần”, HSC nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các hãng sữa quốc tế như Abbott, Friesland Campina, Mead Johnson, Nestle và nhiều hãng sữa nhỏ hơn khác đều có năng lực tốt về marketing và nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Do vậy những doanh nghiệp này luôn luôn là nguy cơ cạnh tranh với Vinamilk.

Vinamilk đang gặp cạnh tranh gay gắt ở mảng sữa bột với sự vượt lên đáng chú ý của Nutifood, cùng áp lực từ nhiều đối thủ ngoại

Trong khi đó, sữa nước vẫn là thế mạnh của Vinamilk (chiếm khoảng 42% doanh thu và 42% lợi nhuận gộp trong năm 2017).

“Mảng này ít cạnh tranh hơn so với mảng sữa bột vì các doanh nghiệp trong nước có lợi thế về nguồn cung. Vinamilk là doanh nghiệp giữ thị phần số 1 trong mảng này. Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Friesland Campina, TH Milk, Nestle, IDP và Mộc Châu. Sản phẩm nhập khẩu có giá cao hơn nhiều nên chỉ áp đảo ở phân khúc cao cấp”, HSC cho biết.

Với chuỗi cung ứng sữa nguyên liệu trong nước lớn nhất, mạng lưới phân phối rộng, thương hiệu phổ biến và giá bán phải chăng, HSC cho rằng Vinamilk sẽ giữ được vị thế số 1 trong những năm tới.

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho vị thế của Vinamilk là hầu hết các công ty sữa nước ngoài không có nhà máy sữa nước tại Việt Nam và phải nhập khẩu thành phẩm với chi phí vận chuyển đắt đỏ.

Với mảng sữa chua, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với Vinamilk.

Thị phần mảng sữa chua của Vinamilk đã giảm từ 90% trong năm 2012 xuống 84% trong năm 2017. Doanh nghiệp lớn thứ hai trong mảnh này là Friesland Campina với khoảng 8-9% thị phần.

Trong khi đó, các đối thủ mới như IDP và TH Milk đã gia nhập ngành với nhiều đột phá trong sản phẩm. Kido cũng đã tung ra thị trường sản phẩm mới, là sữa chua đá.

HSC dự báo thị phần của Vinamilk ở mảng sữa chua sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 80-83% trong vài năm tới.

HSC cho rằng tăng trưởng của Vinamilk sẽ giữ ở mức một chữ số đối với cả doanh thu và lợi nhuận khi mà thị trường sữa đã tương đối bão hòa. Cùng với đó, việc gia tăng thị phần sẽ khó khăn hơn do Vinamilk đã ở vị thế áp đảo ở hầu hết các phân khúc.

“Công ty có thể phải tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới và có thể là thông qua M&A”, HSC nhìn nhận. Tuy nhiên, HSC chưa thấy hoạt động M&A mạnh mẽ ở Vinamilk.

Mặc dù triển vọng tăng trưởng khá khiêm tốn nhưng HSC đánh giá Vinamilk vẫn là công ty được quản trị cực kỳ tốt với thương hiệu và mạng lưới phân phối ít có doanh nghiệp nào sánh được.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/tu-be-tho-dich-lua-chon-nao-cho-vinamilk-20180504224208899.htm