Cầu cống hư hỏng do lũ, dân chờ đến bao giờ?

Cầu Khe Chai xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã bị mưa lũ cuối năm ngoái làm hư hỏng, đứt gãy 2 phía đầu cầu.

Đến nay, cây cầu được đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng này và nhiều cầu, cống khác thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư vẫn chưa được sửa chữa khiến việc đi lại của người dân địa phương hết sức khó khăn.

Cầu Khe Chai hư hỏng sau các đợt lũ chưa được khắc phục

Cầu Khe Chai hư hỏng sau các đợt lũ chưa được khắc phục

Cầu Khe Chai, xã Đông Sơn, nằm trên trục đường trung tâm kết nối với 2 xã Lâm Đớt và Hương Phong của huyện miền núi A Lưới. Cầu Khe Chai rộng 3,5m, dài hơn 100m, bằng bê tông cốt thép, khởi công xây dựng từ tháng 6 đến tháng 12/2018 hoàn thành. Nhờ cây cầu này, bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đi lại thuận tiện.

Các trận lũ hồi tháng 9, tháng 10 năm ngoái đã làm 2 đầu cầu Khe Chai bị lún sụt nghiêm trọng, đất bị sạt lở làm lộ rõ chân cầu. Phần đường dẫn lên cầu bị tách rời nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại. Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương đã bỏ kinh phí, huy động người dân kết nối hai đầu mố cầu bằng ván gỗ để qua lại hàng ngày.

“Mong muốn của bà con và chính quyền địa phương là sớm nhất phải sửa chữa cây cầu để bà con tiện đi lại, tăng cường khâu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bây chừ đi xe máy đi qua cầu được thôi, xe ô tô dù nhỏ phải đi đường vòng, mất 10 km nữa".

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao là chủ đầu tư hợp phần cầu. Dự án gồm 2 hợp phần chính, gồm: đường và cầu, được triển khai trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố. Từ năm 2017 đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 16 cầu dân sinh được xây dựng với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Hệ thống cầu của dự án LRAMP xây dựng ở Thừa Thiên Huế nói chung và cầu Khe Chai là do Ban Quản lý dự án 4 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty Cổ Phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ Phần Xây dựng 939 tại thành phố Huế.

Chính quyền xã Đông Sơn phải dùng gỗ lót tạm ở hai đầu cầu để người dân đi lại

Theo ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc Công ty Cổ Phần Xây dựng Giao thông Thừa Thiên Huế sau khi cầu Khe Chai được nghiệm thu, bàn giao và đi vào hoạt động trên địa bàn chịu tác động của những trận lũ lớn. Dòng suối Khe Chai chảy xiết làm đường dẫn lên cầu bị ngập, nước lũ cuốn trôi đất đá làm 2 đầu cầu bị lún sụt.

“Nguyên nhân hư hỏng vừa rồi chủ yếu do thiên tai lũ lụt quá lớn của đặc thù vùng miền núi của Huế. Kế hoạch hiện nay sửa chữa các ngành, địa phương, đơn vị sửa chữa, đơn vị nhận bàn giao đưa vào sử dụng cùng với đơn vị thi công, chủ đầu tư, lập báo cáo để trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo xin kinh phí để sửa chữa, khắc phục triệt để, chất lượng, đảm bảo phục vụ dân sinh".

Cuối năm ngoái, đại diện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình thiệt hại tại một số công trình thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) ở 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Qua khảo sát, có 14 cầu, cống ở tỉnh Quảng Trị và 3 cầu tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị hỏng nặng, cần khắc phục, sửa chữa. Chủ đầu tư đang lập hồ sơ thiết kế trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin nguồn vốn khắc phục bão lũ hàng năm để khắc phục thiệt hại.

Hai đầu mố cầu Khe Chai bị xói lở để lộ chân cầu

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Bây giờ trước mắt để đảm bảo giao thông cho bà con đi. Phương án xin Bộ Giao thông Vận tải với Ngân hàng Thế giới (WB) vì dự án này là vay của vốn của WB để khắc phục kiên cố luôn. Bây giờ làm tạm thì lũ năm sau sẽ tiếp tục bị hư hỏng"./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cau-cong-hu-hong-do-lu-dan-cho-den-bao-gio-840766.vov