Từ anh hùng diệt Hổ Tamil đến tổng thống tháo chạy

Từng được ca ngợi là người hùng trong cuộc chiến chống phiến quân Tamil, không ai ngờ Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa sẽ có ngày phải chạy trốn khỏi chính đất nước mình.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đóng vai trò không nhỏ trong việc đánh bại nhóm phiến quân "Những Con hổ giải phóng Tamil" (gọi tắt là Hổ Tamil) và chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 26 năm, hôm 13/7 đã rời khỏi Sri Lanka trước sức ép từ các cuộc biểu tình.

Giữa lúc Sri Lanka rơi vào cảnh khủng hoảng, ông chọn làm như vậy bằng cách chạy trốn khỏi đất nước.

Một quan chức cho biết ông Rajapaksa, vợ và hai vệ sĩ rời đất nước bằng máy bay của không quân vào đầu giờ ngày 13/7. Một nguồn tin chính phủ khác thông báo ông đã đến Male, thủ đô của Maldives.

 Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại Colombo vào tháng 2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại Colombo vào tháng 2. Ảnh: Reuters.

“Kẻ hủy diệt"

Ông Rajapaksa là thành viên của một trong những gia tộc quyền lực hàng đầu ở Sri Lanka.

Không giống như anh trai Mahinda Rajapaksa, người đã thống trị nền chính trị Sri Lanka gần 20 năm trên cả cương vị tổng thống và thủ tướng, ông có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này, theo AFP.

Ông Rajapaksa nhập ngũ năm 21 tuổi, phục vụ trong quân đội hai thập kỷ và lên đến cấp trung tá. Nghỉ hưu sớm, ông di cư đến Mỹ và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông bắt đầu tham gia chính trường khi anh trai Mahinda trở thành tổng thống Sri Lanka vào năm 2005.

Được biết đến với biệt danh “Kẻ hủy diệt”, Gotabaya đã đánh tan cuộc nổi dậy kéo dài gần ba thập kỷ của người Tamil ở Sri Lanka vào năm 2009, với tư cách là bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống của anh trai.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có tới 40.000 thường dân Tamil thiệt mạng trong vài tháng cuối cùng của cuộc chiến. Chính phủ Sri Lanka sau đó phản bác rằng phe nổi dậy đã giữ hàng nghìn dân thường làm lá chắn, khiến con số thương vong trầm trọng.

Trong khi Gotabaya được nhiều người theo đạo Phật ở đảo Sinhalese coi là anh hùng trong cuộc chiến, một số người khác cáo buộc ông về tội ác chiến tranh, bao gồm giết người và tra tấn. Ông cũng được cho là có liên quan đến các vụ mất tích bí ẩn của những người chỉ trích chính phủ - cáo buộc mà ông luôn phủ nhận.

Những người biểu tình xông vào dinh thủ tướng ở Colombo. Ảnh: New York Times.

Ông Gotabaya từ chức vào năm 2015 sau khi cựu Tổng thống Mahinda thất bại trước phe đối lập.

Tuy nhiên, danh tiếng về sự quyết đoán và cứng rắn với chủ nghĩa cực đoan của ông đã đưa gia tộc Rajapaksa quay trở lại vũ đài chính trị 4 năm sau đó.

Một “triều đại" đang sụp đổ

Với việc ông Mahinda bị cấm tranh cử do giới hạn hai nhiệm kỳ, lần này, ông Gotabaya, 73 tuổi, trở thành tổng thống và bổ nhiệm anh trai Mahinda, 76 tuổi, làm thủ tướng. Họ hứa hẹn "khung cảnh thịnh vượng và huy hoàng".

Thế nhưng, lạm phát tăng vọt, thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng khiến đất nước trên bờ vực sụp đổ là những gì người dân Sri Lanka đang chứng kiến.

Trước đó, cùng lời hứa khôi phục an ninh đất nước sau vụ đánh bom liều chết khiến 250 người thiệt mạng vào năm 2019, ông Gotabaya từng lấy được lòng yêu mến của rất nhiều cử tri.

Ông đã bày tỏ bất bình với chính quyền khi đó, tuyên bố rằng họ phá hủy một mạng lưới tình báo toàn diện mà ông thiết lập trong cuộc nội chiến.

"Họ không dành ưu tiên cho an ninh quốc gia", ông nói với Reuters một tuần sau vụ đánh bom khi tuyên bố tranh cử tổng thống. "Họ chỉ nói về hòa giải sắc tộc, rồi vấn đề nhân quyền, tự do cá nhân".

Ông Gotabaya đã giành chiến thắng trong cuộc thăm dò vào tháng 11/2019 với tỷ lệ lớn và hứa sẽ đại diện cho tất cả người dân Sri Lanka bất kể sắc tộc, tôn giáo.

Trong thời gian diễn ra tranh cử, ông từng dính đến hai vụ kiện ở Mỹ, cáo buộc ông có liên quan đến vụ bắt cóc và giết hại một nhà báo, cũng như đồng lõa trong việc tra tấn một người đàn ông Tamil.

Tuy nhiên, ông gọi các vụ kiện là vô căn cứ và sự kiện này không ảnh hưởng nhiều đến chiến dịch tranh cử.

Những người biểu tình hô khẩu hiệu trước văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ở Colombo. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 8/2020, đảng của ông đã chiếm đa số 2/3 trong quốc hội, cho phép ông bãi bỏ các luật hạn chế quyền lực tổng thống - bao gồm cả việc giới hạn hai nhiệm kỳ.

Ông tái bổ nhiệm anh trai làm thủ tướng và một loạt người thân khác vào các vị trí bộ trưởng, điều hành đất nước như một doanh nghiệp gia đình, theo New York Times.

Những người này bao gồm em trai Tổng thống Gotabaya, Basil Rajapaksa, 71 tuổi, có biệt danh "quý ngài 10%". Đây được cho là tỷ lệ các khoản hoa hồng mà ông Basil đã lấy từ những hợp đồng của chính phủ.

Tuy nhiên, tất cả vụ kiện chống lại ông đều bị bác bỏ khi ông Gotabaya trở thành tổng thống.

"Gia tộc Rajapaksa kiểm soát toàn bộ đất nước", Asanga Abeyagoonasekera, nhà phân tích chính trị Sri Lanka, nói.

Họ thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, tập trung quyền lực nhiều hơn vào tay tổng thống và cho phép công dân mang hai quốc tịch trở thành nghị sĩ. Vào tháng 7/2021, ông Basil, công dân Sri Lanka nhưng mang cả quốc tịch Mỹ, được bổ nhiệm là bộ trưởng tài chính.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4, trước làn sóng phẫn nộ của người dân, ông Gotabaya đã yêu cầu tất cả thành viên nhà Rajapaksa từ chức.

Tổng thống Sri Lanka trở thành một nhân vật ngày càng bị cô lập, hiếm khi rời khỏi nơi ở, chỉ đến khi những người biểu tình xông vào dinh thự của ông cuối tuần trước.

"Nhà Rajapaksa nổi tiếng với các cuộc đua dài hơi, nên tôi không chắc đây có phải là dấu chấm hết của họ hay không", Charitha Herath, nghị sĩ Sri Lanka nói sau sự việc. "Nhưng hiện tại, họ không còn chỗ đứng ở đây".

Người biểu tình tràn vào văn phòng quyền tổng thống Sri Lanka Đám đông biểu tình ở Sri Lanka đã đến chiếm văn phòng quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe, bất chấp sự ngăn cản bằng vòi rồng và hơi cay của cảnh sát.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-anh-hung-diet-ho-tamil-den-tong-thong-thao-chay-post1335401.html