'Tứ Ân' trong đạo Phật nghĩa là gì?

'Tứ Ân' được nhắc đến nhiều mỗi mùa Vu Lan đến. Vậy 'Tứ Ân' trong đạo Phật có ý nghĩa là gì và tại sao nó gắn liền với lễ Vu Lan?

"Tứ Ân" - đạo hiếu trong quan điểm của đạo Phật

"Tứ ân" là phạm trù đạo đức quan trọng thể hiện ân tình giữa con người với con người, được nhắc đến nhiều mỗi mùa Vu Lan đến.

"Tứ ân" là phạm trù đạo đức quan trọng thể hiện ân tình giữa con người với con người, được nhắc đến nhiều mỗi mùa Vu Lan đến.

"Tứ ân" là phạm trù đạo đức quan trọng thể hiện ân tình giữa con người với con người. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Báo Ân, Đức Phật Thích ca đã dạy, phàm là con người phải ghi nhớ Tứ ân. Đó là: Ân cha mẹ, Ân chúng sanh, Ân quốc gia xã hội và Ân Tam bảo. Trong Tứ ân thì đứng đầu là Ân đức của cha mẹ dành cho con cháu. Mỗi người làm con cần phải trân trọng gìn giữ và tìm cách báo đáp; phải luôn phấn đấu sống, học tập và làm việc thật tốt; báo đáp bằng sự cung kính, vâng lời, siêng năng tu tập những thiện Pháp, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.

Tứ ân tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống mang tính khách quan, chuyển tải được giá trị chân thiện mỹ theo tinh thần Phật giáo, hàm chứa tinh thần đại hùng, đại lực, đại bi, đại trí; mang sinh khí hòa bình, tự do, bình đẳng cho nhân thế với hoài bão giải phóng mọi ràng buộc khổ đau cho con người và muôn vật.

Mùa Vu Lan 2019 đã đến, cũng là dịp để mỗi người chúng ta nghĩ về Tứ Ân, nghĩ về đạo hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Suy cho cùng, đó mới là điều quan trọng cốt lõi nhất của mỗi người.

"Tứ Ân" và mùa Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch hàng năm không đơn thuần là nghi thức mang màu sắc văn hóa Phật giáo, mà dần dần nó trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt. Đây là dịp để những người con nhớ về công lao sinh thành dưỡng dục của ông bà, bố mẹ, cũng là dịp để những gia đình sum họp, khẳng định giá trị quan trọng của kết nối gia đình. Lễ Vu Lan cũng là lễ cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành, hồi hướng đến tổ tiên, thành tâm thắp nén hương thơm nguyện cầu cho vong linh ông bà, bố mẹ đã khuất được siêu sinh tịnh độ.

"Bông hồng cài áo" - nghi thức quan trọng trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Hình ảnh gắn liền với mùa Vu Lan là bông hồng cài áo - đây là một nghi thức trang trọng và mang ý nghĩa sâu sắc. Người con được cài bông trắng sẽ không bao giờ quên cha mẹ đã khuất, người được cài bông hồng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc và may mắn khi vẫn còn cha mẹ trên đời.

Nếu như bông hồng cài áo là hình ảnh mang tính biểu tượng, nhắc nhở người Việt về đạo hiếu thì khái niệm "Tứ Ân" lại là một phạm trù đạo đức để mọi người dựa vào đó mà sống theo.

Người Việt từ xa xưa vốn coi trọng chữ hiếu. Câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" được lưu truyền từ đời này sang đời khác, hàm nghĩa công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với con cái cao như núi Thái Sơn, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Phận làm con, vì thế phải biết giữ gin nề nếp gia phong, biết yêu thương, báo hiếu cha mẹ. Đừng để đến khi cha mẹ không còn trên cõi đời này, mới báo hiếu thì đã quá muộn.

Nói về báo hiếu mẹ cha, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau. Nhưng trên tất cả, báo hiếu nên được xuất phát từ tấm lòng chân thành và từ những điều bình dị nhất. Chẳng phải cứ xây cho bố mẹ nhà cao cửa rộng mới là báo hiếu. Những lời hỏi han hàng ngày, trò chuyện cùng cha mẹ già cũng thể hiện tấm lòng thành kính của con cái.

Giống như nghi thức "bông hồng cài áo", "Tứ Ân" trong đạo Phật được nhắc đến nhiều mỗi mùa Vu Lan để nhắc nhở những người con Việt về đạo lý hiếu thảo và tấm lòng biết ơn. Đó là nền tảng, nuôi dưỡng ta trở thành những con người có giá trị, có phẩm cách và đạo đức.

Hải Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tu-an-trong-dao-phat-nghia-la-gi-84987.html