Từ A đến Z về hiện tượng tê đầu ngón tay

Tê đầu ngón tay là hiện tượng thường hay bị coi nhẹ. Nhưng thực chất đây là một cảnh báo quan trọng của cơ thể trước những căn bệnh nguy hiểm.

Nội dung:

1. Tê đầu ngón tay là hiện tượng như thế nào?
2. Nguyên nhân gây nên hiện tượng tê đầu ngón tay
3. Tê đầu ngón tay là biểu hiện của bệnh gì?
4. Điều trị hiện tượng tê đầu ngón tay như thế nào?

Tê đầu ngón tay là hiện tượng như thế nào? Liệu bị tê đầu ngón tay có sao không? Và hiện tượng tê đầu ngón tay là biểu hiện của bệnh gì? Hãy cùng tìm hiểu về hiện tượng tê đầu ngón tay và những căn bệnh nguy hiểm liên quan.

1. Tê đầu ngón tay là hiện tượng như thế nào?

Tê đầu ngón tay là hiện tượng mà đầu ngón tay có cảm giác ngứa ngáy và bị châm chích. Cảm giác này tựa như việc dùng những cây kim nhỏ để chạm nhẹ vào đầu ngón tay. Ở một tình trạng nặng hơn, người bị tê đầu ngón tay sẽ có cảm giác nóng và rát.

Hiện tượng tê đầu ngón tay có thể xảy ra ở cấp độ nhẹ hoặc nặng, thỉnh thoảng hoặc liên tục. Người bị tê đầu ngón tay sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc sử dụng bàn tay của mình. Thậm chí ở một số trường hợp nặng, người ta không thể cầm, nắm và thực hiện các hoạt động thường ngày.

Hiện tượng tê đầu ngón tay là hiện tượng như thế nào? (Ảnh Internet)

Hiện tượng tê đầu ngón tay là hiện tượng như thế nào? (Ảnh Internet)

2. Nguyên nhân gây nên hiện tượng tê đầu ngón tay

Hiện tượng tê đầu ngón tay có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể lưu ý đến một vài nguyên nhân phổ biến gây tê đầu ngón tay dưới đây:

- Người bị hội chứng ống cổ tay. Đây là một hội chứng mà dây thần kinh cảm giác ở bàn tay bị chèn ép dẫn đến tắc nghẽn. Thông thường, cảm giác tê sẽ xảy ra ở vị trí ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa.

- Người mắc bệnh rễ thần kinh cổ cũng sẽ bị tê đầu ngón tay. Tình trạng bệnh này xảy ra do phần cổ bị viêm hoặc nén do một dây thần kinh có vấn đề.

- Bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây ra những tổn thương dây thần kinh ở bàn tay và chân nên có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng tê đầu ngón tay. Đa số, cảm giác tê sẽ xuất hiện đầu tiên ở khu vực đầu bàn chân.

- Bệnh Raynaud sẽ gây nên tình trạng co thắt nhanh của các động mạch nhỏ bên trong ngón tay. Vì điều này, tình trạng lưu thông máu từ tim đến các ngón tay sẽ bị cản trở. Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng tê đầu ngón tay ở người.

- Viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây ra hiện tượng tê đầu ngón tay. Các biểu hiện kèm theo có thể kể đến là sưng và đau ở các khớp.

- Việc dây thần kinh trụ bị chèn ép sẽ gây tê các đầu ngón tay út và áp út. Trái với hội chứng ống cổ tay gây tê đầu ngón tay ở 3 ngón còn lại.

3. Tê đầu ngón tay là biểu hiện của bệnh gì?

Tê đầu ngón tay có sao không? Thực tế, hiện tượng tê đầu ngón tay không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Nó cũng không phải là một trạng huống quá nguy hiểm. Thậm chí, hiện tượng tê đầu ngón tay có thể được điều trị dứt điểm bằng nhiều phương pháp.

Tê đầu ngón tay có thể là dấu hiệu của chứng đột quỵ (Ảnh Internet)

Tuy nhiên, đôi khi, tình trạng này lại là cảnh báo của cơ thể về một vài căn bệnh nguy hiểm. Người ta cần đi đến bệnh viện ngay khi gặp phải tình trạng bị tê đầu ngón tay kéo dài. Hoặc bị tê đầu ngón tay kèm với những triệu chứng sau đây:

- Cảm giác khó thở và tức ngực.

- Tình trạng chóng mặt đi kèm hoa mắt.

- Tê đầu ngón tay lan dần lên cánh tay. Cảm giác tê tăng dần lên thành cảm giác đau nhói.

- Có cảm giác đau dữ dội ở đầu.

- Đột nhiên xuất hiện trạng huống nói lắp dù không có tật này.

- Cơ thể bỗng nhiên có cảm giác bị suy yếu đột ngột, mất sức, hụt hơi hoặc tê liệt.

Cần đến cơ sở y tế thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị kịp thời khiến bệnh không trở nặng.

4. Điều trị hiện tượng tê đầu ngón tay như thế nào?

Nên cho tay nghỉ ngơi sau 60 phút hoạt động để hạn chế nguy cơ tê đầu ngón tay (Ảnh Internet)

Được biết một trong số những nguyên nhân gây tê đầu ngón tay là do dùng quá nhiều sức. Hoặc do những hành động, chuyển động lặp đi lặp lại liên quan đến bàn tay và các ngón tay. Điều này sẽ gây ra những chấn thương các dây thần kinh ở các vùng này.

Do đó, cần có các phương pháp giúp hạn chế các tình trạng chấn thương này bằng một số phương pháp dưới đây:

- Cần giữ tư thế đúng khi cầm, nắm, sử dụng các công cụ bằng tay;

- Đối với những công việc tiếp xúc với bàn phím nhiều cần cho tay có thời gian nghỉ ngơi. Thông thường, nên để tay được nghỉ sau khi làm việc trong 60 phút đồng hồ;

- Những hoạt động thư giãn, kéo giãn các cơ ở tay cũng giúp giảm thiểu nguy cơ tê đầu ngón tay.

Tê bì tay chân là bệnh gì? Cách chữa bệnh tê bì tay chân

Bảo Nghi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-a-den-z-ve-hien-tuong-te-dau-ngon-tay-41202019117614692.htm