Từ 5/12, Grab phải hạch toán doanh thu, nộp 10% thuế GTGT thay tài xế

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, với quy định mới tại Nghị định 126, từ 5/12, các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Bee, Gojek sẽ phải hạch toán toàn bộ doanh thu, nộp 10% thuế giá trị gia tăng thay tài xế.

Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn

Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn

Vừa qua, phản ánh tới Tổng cục Thuế, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại Cty TNHH Grab (Grab) bày tỏ một số lo ngại liên quan tới điều 7 Nghị định 126 (NĐ 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, hiệu lực từ 5/12.

Cụ thể, điểm c khoản 5 Điều 7 của NĐ 126 quy định: "Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế, và quản lí thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh".

Theo đại diện Grab, với quy định trên, từ 5/12, các công ty kết nối vận tải (như Grab, Be, Gojek) hoặc các hợp tác xã - là đối tác vận tải của công ty, sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của tài xế xe công nghệ.

Cụ thể, về thuế GTGT, các đơn vị hiện nay khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất 10% của doanh thu. Theo quy định trên, từ 5/12, tài xế có thể phải nộp 10% thuế GTGT đầu ra như doanh nghiệp (thay vì mức hiện hành là 3%). Bà Trang thắc mắc, mức thuế GTGT mà các tài xế công nghệ phải đóng bắt đầu từ ngày 5/12 sẽ giữ nguyên 3% hay tăng lên 10%?

Liên quan tới vấn đề thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bà Trang cũng đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ việc mức thuế TNCN của tài xế xe công nghệ sẽ áp dụng như hiện nay là 1,5% doanh thu trên 100 triệu đồng/năm hay thực hiện quy định nào?

Bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết Grab, Be, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ.

Theo bà Lan, lâu nay do văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Bây giờ NĐ 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế cũng như thông lệ quốc tế.

"Các doanh nghiệp (DN) vận tải công nghệ Grab, Bee, Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế GTGT chứ không phải là tài xế. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, DN chỉ kê khai và nộp thay”, ông Đặng Ngọc Minh, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giải thích thêm.

Theo tính toán của Grab, với quy định hiện hành, với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ 5/12, tài xế chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay. Trong khi thống kê của DN này, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.

Trường hợp công ty tăng cước xe để giữ nguyên thu nhập của tài xế, các DN vận tải sẽ phải tăng cước thêm 7,3%. Khi đó chịu thiệt cuối cùng là người tiêu dùng.

Về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan cho rằng với quy định mới này, các hãng vận tải công nghệ và tài xế sẽ điều chỉnh lại hợp đồng hợp tác kinh doanh để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo quy định. Còn quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế TNCN chứ không gánh thuế GTGT như lâu nay.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/tu-512-grab-phai-hach-toan-doanh-thu-nop-10-thue-gtgt-thay-tai-xe-1755641.tpo