Từ 31/3, sửa đổi chương trình giáo dục mầm non

Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung một số nội dung giáo dục cho trẻ em mầm non như cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số.

Từ ngày 31/3, Thông tư 51/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực.

Theo đó, chương trình giáo dục mầm non được thiết kế cho 35 tuần, mỗi tuần làm việc 5 ngày, áp dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Kế hoạch chăm sóc, giáo dục hằng ngày thực hiện theo chế độ sinh hoạt cho từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện của cơ sở giáo dục mầm non.

Thời điểm nghỉ hè, lễ tết, nghỉ học kỳ theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung một số nội dung giáo dục cho trẻ em mầm non như cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số và những nội dung khác phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non.

Cụ thể, căn cứ vào chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch năm học, tổ chức thực hiện; phát triển chương trình giáo dục mầm non.

Ngoài những nội dung quy định tại mục C Phần hai Chương trình giáo dục nhà trẻ và mục C Phần ba Chương trình giáo dục mẫu giáo, các cơ sở giáo dục mầm non có thể lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục như: cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số và những nội dung giáo dục khác phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục mầm non, khả năng và nhu cầu của trẻ, theo quy định của pháp luật để phát triển chương trình giáo dục nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

H.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-31-3-sua-doi-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-a509740.html